VÌ SAO NGƯỜI KHMER NAM BỘ KHÔNG ĐÓN TẾT VÀO THÁNG ĐẦU NĂM ?

20/05/2021 1425 0

Tết Chôl Chnăm Thmây: Ảnh Trọng Phước

Chôl Chnăm Thmây - lễ vào năm mới theo truyền thống Phật giáo Nam tông

      Từ xa xưa, đạo Phật Tiểu thừa là tôn giáo chính của người Khmer Nam Bộ, đã thâm nhập khá sâu vào trong sinh hoạt đời sống của cộng đồng, cho nên những lễ hội của họ dù bắt nguồn từ đâu, vẫn mang màu sắc tôn giáo và không thoát khỏi cổng chùa. Chính vì thế, không như tộc người Kinh đón năm mới vào tháng Giêng theo lịch Tàu, người Khmer Nam Bộ đón Chôl Chnăm Thmây (Lễ vào năm mới) vào tháng Cheth (tháng 5) hoặc Pisakh tháng 6) chứ không phải vào đầu tháng  Mikhsé (tháng 1) theo Phật lịch Khmer và cũng theo tập quán nghìn xưa, người Khmer Nam Bộ đón tết vào những ngày giờ khác nhau theo khoa thiên văn truyền từ Ấn Độ sang nên việc “vào năm mới” được tính bằng hai lối vào:

- Chôl (vào năm): tính theo sự vận chuyển của Mặt Trăng và đánh dấu việc thay đổi 12 con thú tượng trưng của 12 con giáp trong một kỳ (người Khmer cũng lấy hình tượng 12 con vật để tính năm như người Kinh nhưng có khác là họ lấy hình tượng con con Bò thay vì con Trâu, con Thỏ thay cho con Mèo và con Rồng thay bằng Rắn Naga). Chôl được tính vào đầu tháng Cheth tương ứng  tháng 3 Âm lịch của tộc người Kinh, nhằm khoảng giữa tháng 4 theo Dương lịch.

- Chnăm (ngày vào năm): tính theo sự vận chuyển của Mặt Trời và đánh dấu bước đầu năm mới. Chnăm thay đổi tùy theo Trăng tròn hay khuyết nên có thể nhằm ngày 12, 13 hay 14 Âm lịch.

  Giờ bắt đầu vào năm mới của người Khmer Nam Bộ không vào tính vào lúc nửa đêm (lúc không giờ - giao thừa) giống như người châu Âu hay châu Á mà căn cứ vào quyển Moha Songkran (Đại lịch) để tính nên giờ luôn thay đổi, không năm nào giống năm nào.

Cũng do chịu ảnh hưởng của đạo Bà la Môn và của đạo Phật giáo hệ phái Tiểu thừa nên Chôl Chnăm Thmây – ngày Tết cổ truyền đã trở thành ngày lễ hội truyền thống của tộc người Khmer Nam Bộ gắn liền với đạo Phật nên mọi nghi thức, vui chơi sinh hoạt trong 3 ngày Tết đều tập trung tại chùa theo những nghi lễ từng ngày:

- Ngày thứ nhất gọi là Chol Sangkran Chmay - ngày vào lễ năm mới. Vào ngày này, mọi người tắm gội sạch sẽ, lên chùa làm lễ rước Moha Songkran (Đại lịch) và đọc kinh đón mừng năm mới. Giao thừa được người Hora Cha (người thiên văn) bói toán tính theo hướng của mặt trời đi theo đường thẳng, tức là theo giờ phút đã định sẳn mà tại một giờ nhất định. Giờ đó là buổi sáng sớm hoặc là buổi chiều phải đúng theo giờ giấc mà người thiên văn Khmer đã chọn và là thời khắc giao mùa đánh dấu sự chuyển mùa từ mùa này sang mùa mới nên ở tại chùa, mọi người tổ chức đánh cồng, đánh trống rồi thỉnh tượng Phật và Moha Songkran (lịch để ở chùa) xung quanh chánh điện.

- Ngày thứ hai gọi là Virak Wanabat: Ngày này, các gia đình sẽ dâng cơm mời các nhà sư còn gọi là Wên chôhan và làm lễ Puôn phnum ksach (đắp núi cát)  để tìm phúc duyên, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

- Ngày thứ ba gọi là Tngay Leang Saka: Mọi người chuẩn bị nước thơm được làm từ nước mưa và hoa tươi rồi đến chùa làm lễ tắm Đức Phật. Tới chiều họ làm lễ Băng skot (cầu siêu) cho những vong hồn được siêu thoát tới miền cực lạc. Sau cùng mọi người về trước bàn thờ tại nhà lạy ông bà, cha mẹ rồi tắm cho ông bà, cha mẹ để tỏ tấm lòng hiếu thảo của con cháu.

Lễ Chôl Chnăm Thmây - vào năm mới của người Khmer Nam Bộ mang ý nghĩa mừng thêm tuổi mới với hy vọng những may mắn mới sẽ đến trong năm mới và những điều xui xẻo, không may của năm cũ đều qua đi. Trong ba ngày Tết Chôl Chnăm Thmây, bà con Khmer Nam Bộ còn đi thăm hỏi, mừng tuổi năm mới cho nhau, chúc nhau sức khỏe, cuộc sống yên vui, no ấm. Tại chùa, sau khi thực hiện các nghi lễ, thanh niên nam nữ tổ chức hát múa, vui chơi các trò chơi dân gian. Tối đến, người ta thả đèn gió, con cháu  nghe các cụ già kể chuyện thần thoại, cổ tích… Không khí ở các Phum, Sróc và nhất là tại chùa trong những ngày này vô cùng nhộn nhịp; mỗi người đều có niềm tin và mong ước rằng năm mới sẽ đem đến những điều tốt lành, mùa vụ tốt tươi và an vui hạnh phúc cho gia đình nhiều hơn năm cũ.

Chôl Chnăm Thmây -  Lễ đón mừng mùa mưa đến của cư dân nông nghiệp

      Trong quá trình phát triển lịch sử, các lễ hội của người Khmer Nam Bộ chẳng những chịu sự ảnh hưởng của đạo Phật Tiểu thừa mà còn có sự pha tạp của những yếu tố tôn giáo khác như đạo Bà La môn và tồn tại khá rõ nguồn gốc lễ nghi nông nghiệp của cư dân trồng lúa nước biểu hiện qua các lễ hội tiêu biểu như lễ Chôl Chnăm Thmây, lễ Đônta  hay lễ Ooc Om Boc… Sở dĩ có hiện tượng này vì chúng ta biết rằng đạo Phật dù được khai sáng từ rất lâu ở Ấn Độ nhưng đến nay (2021) cũng chỉ đến 2565 năm trong khi từ hơn 6.000 năm trước, cư dân vùng Đông Nam Á đã biết trồng lúa nước, biết lợi dụng mùa mưa đến đều đều mỗi năm theo gió mùa Tây Nam để cày cấy gieo hạt và bản thân lúa được tôn thờ như một tôn giáo bởi đại bộ phận người Đông Nam Á lại là những cư dân trồng lúa nước và ăn cơm gạo là chính. Kết quả nghiên cứu của một số nhà khoa học khẳng định rằng thời điểm của Tết năm mới trùng với thời gian chuyển mùa và thời lịch của mùa gieo trồng cây lúa nước là có nguồn gốc bản địa Đông Nam Á, trong đó có người Khmer Nam Bộ. Do vậy, từ ngàn đời nay, thời gian (năm, tháng) của người dân Khmer Nam Bộ mặc dù tính theo Phật lịch nhưng thực chất cũng được tính theo chu trình canh tác cây lúa, nghĩa là một năm tương ứng với một mùa lúa cho nên mỗi khi mùa mưa bắt đầu là khởi đầu của một năm xuống đồng gieo trồng cây lúa. Thời kỳ chuyển tiếp từ mùa khô sang mùa mưa  là cả một quãng thời gian nghỉ ngơi kéo dài cả mấy tháng liền do mọi công việc đồng áng đã xong, nhưng mùa mưa thực sự thì vẫn chưa đến. Đây là lúc mà cả con người và  thiên nhiên đều ở trong trạng thái nghỉ ngơi nên vào quãng thời gian nhàn hạ và no đủ này, người Khmer Nam Bộ tổ chức lễ  Chôl Chnăm Thmây - vào năm mới. Cho nên thực chất lễ Chôl Chnăm Thmây không phải  chỉ để ăn mừng đầu năm mới, mà để ăn mừng mùa mưa đến, cái mùa quan trọng nhất cho những nhà nông  trồng lúa nước trong đó có bà con Khmer Nam Bộ.

      Mọi Lễ - Tết được gọi là “năm mới” của các tộc người trên thế giới đều có điểm chung mang một ý nghĩa thiêng liêng, chuyển tiếp từ thời điểm cuối của một chu trình thời gian cũ đã qua sang thời điểm đầu của một chu trình thời gian mới sẽ đến; thế nhưng, ở mỗi vùng văn hoá  khác nhau thì cái chu trình thời gian cũ và mới lặp đi lặp lại ấy có sự biểu hiện khác nhau. Do những đặc thù của điều kiện tự nhiên và văn hoá chi phối nên tính chất chuyển tiếp thiêng liêng của năm mới của tộc người Khmer Nam Bộ cũng có sắc thái riêng của mình. Vì thế, cũng là Tết mừng năm mới nhưng người Khmer Nam Bộ không bắt đầu từ tháng  1 đầu năm (tháng Mikhsé) như tộc người Kinh và một số tộc người khác trên đất nước Việt Nam mà lại bắt đầu từ tháng gần giữa năm, khi mùa mưa sắp đến.

      Với những ý nghĩa đó, lễ  Chôl Chnăm Thmây - vào năm mới – đón mùa mưa đến đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Khmer Nam Bộ nói chung và người Khmer Sóc Trăng nói riêng. Đó là động lực chủ yếu thúc giục họ lạc quan và hăng hái làm việc hiệu quả hơn với niềm mơ ước và khát khao một cuộc sống tốt đẹp hơn trong năm mới./.

Lâm Thanh Sơn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu