SÓC TRĂNG TỪNG BƯỚC PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG

26/08/2021 1794 0
NĂM 2018, UBND TỈNH SÓC TRĂNG PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2017-2020, TỪ ĐÓ LOẠI HÌNH DU LỊCH SINH THÁI, DU LỊCH CỘNG ĐỒNG ĐƯỢC TỈNH SÓC TRĂNG QUAN TÂM, CHỈ ĐẠO KHAI THÁC PHÁT TRIỂN PHỤC VỤ DU KHÁCH.

Chợ nổi Ngã Năm Ảnh Văn Thanh Bình

Đa dạng hóa sản phẩm du lịch cộng đồng

     Nhằm khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên được phân bố đều trên khắp các địa phương trong tỉnh, giúp hình thành nên những cụm du lịch cộng đồng tiềm năng cho Sóc Trăng; xác định du lịch cộng đồng là một trong những loại hình trọng tâm cần được tập trung phát triển trong giai đoạn 2017 - 2020, Sóc Trăng đang tập trung hoàn thiện các mô hình homestay đầu tiên tại 3 cụm du lịch cộng đồng gắn với 3 trọng tâm du lịch.

     Cụm du lịch cộng đồng ấp Phương An 3 thuộc địa bàn xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú gắn liền với không gian văn hóa thuần chất Nam Bộ dọc tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, nằm ngay trên Quản Lộ - Phụng Hiệp, cách thành phố Sóc Trăng khoảng 44km. Tại đây, du khách có thể trải nghiệm các dịch vụ tại homestay chợ nổi Ngã Năm như tham quan nghề làm bánh phồng, sản xuất nước ép trái cây; tham quan vườn cây ăn trái; chống xuồng di chuyên để thả lưới và giở những chiếc lợp, lờ...; khám phá rẫy trồng cà, rau củ quả tự nhiên. Du khách cũng sẽ được tham gia hành trình khám phá thiên nhiên, lịch sử dõi theo dấu chân cha ông đi mở cõi đất phương Nam bằng xe đạp trên Hương lộ 20. Đặc biệt, du khách có cơ hội tham gia cùng chủ hộ thu hoạch nông sản và chở ra chợ nổi Ngã Năm bán; khám phá nét mộc mạc, đặc trưng của chợ nổi miền Tây, trải nghiệm cảm giác lênh đênh trên sông nước, hòa mình giữa cảnh sinh hoạt, mua bán tấp nập trên sông của người dân…

Làng du lịch Long Ẩn, CLD Ảnh Văn Thanh Bình

     Cụm du lịch cộng đồng cồn Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách gắn liền với loại hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái chất lượng cao đậm chất Tây Nam Bộ. Trong các dãy cù lao dọc theo sông Hậu, có cồn Mỹ Phước là một trong những điểm đến thu hút nhiều du khách thích khám phá thiên nhiên và môi trường, cồn Mỹ Phước nằm giữa dòng sông Hậu hiền hòa, cách trung tâm tỉnh lỵ Sóc Trăng khoảng 30km về hướng Đông Bắc, là tên gọi chung của 2 cồn: cồn Công Điền và cồn Bùn. Khu vực cù lao xanh này có diện tích khoảng 1.020ha với chiều dài khoảng 3,5km, trong đó diện tích trồng cây ăn trái gần 300ha. Cồn Mỹ Phước không chỉ là điểm du lịch sinh thái miệt vườn của huyện Kế Sách mà còn là điểm tổ chức Lễ hội sông nước miệt vườn hàng năm. Đến cồn Mỹ Phước, du khách vừa thưởng thức trái cây, vừa có thể khám phá nhiều món ăn dân dã mang hương vị xứ cồn như cá lóc luộc hèm, canh chua cá ngát nấu bần, ốc luộc nước dừa chấm cơm mẻ...; thưởng thức đờn ca tài tử dưới những vườn cây ăn trái rợp bóng mát. Cồn Mỹ Phước là nơi đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng có một tổ hợp tác du lịch cộng đồng hiện đã đi vào hoạt động.

     Cụm du lịch cộng đồng thuộc huyện cù Lao Dung gắn liền với loại hình du lịch xanh khám phá thiên nhiên, lịch sử. Đây là điểm đến của những vườn cây ăn trái trĩu quả, những rẫy mía, những vuông tôm, những rừng bần bạt ngàn trên dải cù lao rộng hơn 23.000ha. Hiện nay, toàn huyện có 2 xã đã đầu tư và đi vào hoạt động thu hút du khách tham quan như farmstay Sân Tiên ở xã An Thạnh Nam (Cù Lao Dung) với các dịch vụ lưu trú, ăn uống, tour tham quan trải nghiệm đi cầu tre dưới tán rừng, câu cua, câu cá, tham quan rừng bần, bãi nghêu bằng thuyền du lịch thuộc xã An Thạnh Nam; mô hình du lịch cộng đồng ở làng Long Ẩn, ấp An Trung; homestay Sáu Mới ở ấp An Thường, xã An Thạnh 1 (Cù Lao Dung). Đồng thời, Cù Lao Dung còn có nhiều công trình gắn với sự kiện di tích lịch sử - văn hóa loại hình di tích lịch sử cách mạng: đền thờ Bác Hồ, bia chiến thắng Rạch Già, sự tích cây dương đỏ, đình thần Nguyễn Trung Trực, chùa Tân Giác, phủ thờ An Cơ...

Khu du lịch Sân Tiên Ảnh Văn Ngọc Nhuần

     Việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng đã từng bước giúp nâng cao nhận thức của người dân Sóc Trăng về tiềm năng và vai trò, vị trí của du lịch, đem lại thu nhập, góp phán xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhiều hộ gia đình ở địa phương.

     Thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch được quan tâm; hàng năm các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với các cơ sở đào tạo về nghiệp vụ du lịch tại thành phố Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ ngắn hạn. Đồng thời, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực quản lý, chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức công tác trong ngành Du lịch cũng được tăng cường. Tỉnh Sóc Trăng còn thường xuyên tổ chức các chương trình tham quan học tập kinh nghiệm du lịch cộng đồng ở các tỉnh Tây Bắc và đồng bằng sông Cửu Long cho những người tham gia hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.

     Ngoài ra, phát triển du lịch cộng đồng còn góp phần nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo, các truyền thuyết lịch sử gắn với quá trình đấu tranh bảo vệ tổ quốc của địa phương. Đặc biệt, du lịch phát triển đã tạo ra môi trường thuận lợi để các địa phương giao lưu, giao thoa văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh. Hiện nay, các điểm du lịch cộng đồng đang thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, nhiều công ty lữ hành đã chủ động liên kết, đưa các điểm du lịch cộng đồng của tỉnh vào chương trình tour, tuyến du lịch...

Định hướng phát triển

     Sóc Trăng đang từng bước kêu gọi, huy động nguồn lực để đẩy mạnh phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Tỉnh đang cố gắng sớm triển khai Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 7/7/2020 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025; tiếp tục kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư xây dựng các khu dịch vụ vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng tại địa phương; phát triển hệ thống nhà hàng ăn uống phục vụ du khách tham quan; thường xuyên quan tâm hỗ trợ kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ làm du lịch, tổ chức cho các hộ dân, doanh nghiệp du lịch đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình du lịch cộng đồng có hiệu quả; quy hoạch mở rộng đường giao thông vào các điểm du lịch homestay trên địa bàn các huyện, thị xã có điểm du lịch. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường xây dựng ấn phẩm giới thiệu, quảng bá hình ảnh của homestay qua các tờ gấp, trang mạng xã hội, website để du khách biết đến nhiều hơn; đẩy mạnh hợp tác với các công ty du lịch lữ hành để có nguồn khách ổn định lâu dài, khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh xây dựng các mô hình phát triển du lịch cộng đồng, đóng tàu du lịch phục vụ khách tham quan.

     Có thể nói, mô hình du lịch cộng đồng của tỉnh đang dần thu hút du khách gần xa, nhất là các nguồn khách du lịch đến qua cửa ngõ cần Thơ, khách đi du lịch Côn Đảo và mong muốn kết hợp trải nghiệm du lịch văn hóa, sông nước, miệt vườn Nam Bộ. Du lịch cộng đồng đi vào quỹ đạo, sẽ góp phần phát huy các bản sắc văn hóa, truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của người dân Sóc Trăng, đảm bảo phát triển du lịch theo hướng bền vững, góp phần nâng cao kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, văn minh, tiến bộ./.

                                                    PHẠM VĂN ĐÂU

                                                        PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ VHTTDL SÓC TRĂNG

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu