LỄ HỘI THẮC CÔN

21/07/2022 1163 0
Huyện Châu Thành là một trong 11 đơn vị hành chính của tỉnh Sóc Trăng, có vị trí quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, có quốc lộ 1A đi qua và nhiều lộ giao thông liên tỉnh, liên huyện rất thuận tiện trong việc đi lại. Huyện còn là cửa ngỏ vào trung tâm thành phố Sóc Trăng. Huyện có 07 xã và 01 thị trấn có cộng đồng 3 dân tộc anh em Kinh, Khmer, Hoa cùng cộng cư từ lâu đời, nên có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch tâm linh tín ngưỡng, văn hóa lễ hội và làng nghề, du lịch cộng đồng, buôn bán các đặc sản cho du khách. Huyện có 3 điểm dừng chân đạt chuẩn đón khách du lịch và 01 điểm du lịch cấp tỉnh Tân Huê Viên.v.v…với nhiều lễ hội của 3 dân tộc diễn ra trong năm trên địa bàn như, lễ cầu an, Dâng y, Đôl ta, Chôl Chnăm Thmây, Ooc Om Boc,.v.v…. Đặc biệt là Lễ hội Thắc côn, nét đẹp văn hóa của người dân địa phương.

Trong 3 ngày 15, 16, 17-2 âm lịch hàng năm, tại chùa Mahasal Thatmon (ấp An Trạch, xã An Hiệp, Châu Thành) đều tổ chức lễ hội Thác Côn. Đây là lễ hội vừa mang tính nhân văn sâu sắc, đồng thời còn thể hiện nét độc đáo riêng trong văn hóa Khmer Sóc Trăng nói riêng và Nam bộ nói chung.

          Thác Côn là cách gọi theo tiếng Khmer của người dân vùng An Trạch. Thác nghĩa là “đạp”, còn Côn là “cồng” (vàng). Như vậy, Thác Côn là lễ hội Đạp Cồng. Ngoài ra, tên gọi này còn có thể gọi là Lễ hội Cúng Dừa, vì thức cúng chủ yếu là những trái dừa tươi.

          Theo các cụ cao niên và các Achar thì nguồn gốc lễ hội đã có hàng trăm năm tuổi, xuất phát từ truyền thuyết về chiếc cồng vàng nổi lên ở vùng đất An Trạch xưa kia. Tích xưa kể rằng, ở vùng đất An Trạch tự nhiên nổi lên một cái gò đất hình dạng như chiếc cồng, chân người giẫm lên nghe âm vang như tiếng cồng. Được ít lâu, tiếng cồng trong đất nhỏ dần rồi mất hẳn. Dân gian cho là sự linh thiêng bèn lập miếu thờ và cứ đến ngày rằm tháng hai (tính theo Phật lịch) hằng năm, dân làng An Trạch lại tổ chức lễ hội cầu an ở đây (chùa Mahasal Thatmon) và gọi đó là Lễ hội Thác Côn.

          Còn có truyền thuyết khác về lễ hội Thác Côn với cách kể như sau: Thuở xưa, vùng đất An Trạch là xứ đường trâu. Người dân ở đây thấy có một gò đất nổi lên, ban đầu những người đàn ông đi chăn trâu qua đường này lấy chân đạp thử thì nghe âm thanh phát ra thành tiếng “côn”, “côn” (trong tiếng Khmer côn có nghĩa là cồng - cồng vàng). Một hôm, có người phụ nữ chăn trâu đang mang thai, lấy chân đạp lên gò đất thì âm thanh không còn phát ra nữa và gò đất lặn dần... Dân làng bèn lập nơi thờ tự và cứ đến tháng hai hằng năm dân làng lại tổ chức lễ hội cầu an trong ba ngày từ 15 - 17/2 âm lịch.

          Lễ hội Thác Côn diễn ra với các nghi thức chính mang tinh thần Phật giáo. Theo đó, trong ba ngày diễn ra lễ hội, các nghi thức chính cũng giống như lễ cầu an, gồm: Sáng dâng cơm cho sư; tối đến mời sư tụng kinh cầu siêu, làm phước để cầu an cho dân và sau cùng là thuyết pháp cho Phật tử nghe về giáo lý nhà Phật; kế đến là phần thể hiện nghệ thuật sân khấu Rô-băm và Dù kê truyền thống phục vụ lễ hội.

          Lễ vật cúng trong lễ hội là dừa tươi dạt hai mặt, rồi cắm vào đó là Slatho (bông hoa làm bằng nhang và giấy màu kết thành nhiều tầng). Phía trên trái dừa cắm 5 nhánh tre vót nhỏ hay dùng 5 cây nhang rồi xỏ vào 5 lá trầu, cùng các loại hoa cắm tạo thành lễ vật Salathođôn (đôn là dừa) rất đặc trưng cho lễ hội này. Salathođôn là do người dân tự làm mang cúng ông Côn tại Salatel (nơi thờ Cồng vàng). Sau khi cúng xong, người đi cúng xin lộc đem về nhà cùng với lễ vật Salathođôn. Phần dừa thì lấy nước uống mong hết bệnh tật, lá trầu cũng đem về nhà ăn mong ma, quỷ không làm hại tới mình, phần bông hoa thì để lại trang hoàng trên bàn thờ ông Côn hoặc đem về nhà chưng trên bàn thờ Phật.

Salatho được làm bằng trái dừa

          Đặc biệt, có một nghi thức hết sức quan trọng trong lễ Thác Côn phản ánh rõ nét và đậm chất văn hóa cư dân nông nghiệp, đó là nghi thức cúng lúa giống. Bên cạnh Salathođôn, nhiều Phật tử khi đến lễ hội còn đem theo những hạt lúa giống rồi để lên bệ thờ trong miếu ông Côn để cầu mong mùa màng trúng vụ, bội thu. Đến ngày cuối cùng, các bà lão và thiếu nữ Khmer lấy những hạt lúa giống cùng với một ít tro, chân nhang cháy không hết trong miếu và các thức cúng (gồm nhang, đèn, bánh) đặt vào cái mâm bạc rồi đem ra ruộng để cúng đất đai, cúng hồn lúa để cầu mong các vị thần bảo hộ cho ruộng, vườn được tươi tốt. Riêng đối với những người làm nghề nuôi trồng thủy sản thì lấy chân nhang hoặc tro tàn đem về rải hoặc cắm trên bờ ao cầu ông Côn phù hộ cá, tôm không bị chết.

Salatho được làm bằng cây chuối

          Tất cả những nghi thức trong lễ hội phản ánh một niềm tin tuyệt đối của cư dân vùng đất có chiếc “cồng vàng” trong truyền thuyết đối với một biểu tượng văn hóa độc nhất là chiếc cồng - một vật vừa có ý nghĩa tập hợp cộng đồng, cũng vừa là một sản phẩm của văn hóa tinh thần, nhất là khi mỗi dịp những lễ hội truyền thống thì những chiếc cồng lại vang lên trong các khóm, ấp có đông đồng bào Khmer sinh sống. Chính tiếng cồng vang lên đó đã nhắc nhở cháu con người Khmer về tình đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau và trên hết là tinh thần yêu lao động, làm ra của cải vật chất như mong ước của tất cả người dân Khmer không chỉ ở Sóc Trăng và các tỉnh khác.

          Lễ hội Thác Côn là một lễ hội cầu an của người Khmer Sóc Trăng trong hệ thống lễ hội của người Khmer Nam bộ. Từ một lễ hội có tính địa phương đã nâng lên thành lễ hội cấp vùng khi ngày càng có nhiều khách thập phương đến từ các tỉnh trong khu vực và TP.Hồ Chí Minh đến tham dự. Người dân làng An Trạch vẫn tổ chức lễ Thác Côn, cầu cho mưa thuận, gió hòa, làm ăn thuận lợi với niềm tin gửi gắm tuyệt đối vào ông Côn hàng trăm năm nay.

Nguyễn Dũng

          * Tài liệu tham khảo:

            - http://www.dulichsoctrang.org.

            - http://www.sovhttdl.soctrang.gov.vn.

            - http://www.soctrang.gov.vn.

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu