NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN LOẠI HÌNH DU LỊCH ĐƯỜNG SÔNG TẠI SÓC TRĂNG

01/02/2023 913 0
Sóc Trăng là 1 trong những tỉnh đồng bằng ven biển thuộc vùng Tây Nam bộ có bờ biển dài 72km với ba cửa sông lớn đổ ra biển gồm Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh. Sóc Trăng còn có hệ thống sông ngòi chằng chịt, các cồn và các cù lao trãi dài trên 50km ra tận biển Đông. Vì vậy, với lợi thế 3 vùng ngọt, lợ và mặn, Sóc Trăng có vườn cây ăn trái, bãi bồi, có hệ thực vật rừng ngập mặn ven biển và bãi bồi chạy dài hàng chục km ra biển Đông..., rất thuận tiện cho việc phát triển loại hình du lịch đuờng sông với các trạm dừng chân lý tưởng.

     

Đoàn Công ty TNHH du lịch thám hiểm và sự kiện đồng bằng Mekong đến khảo sát du lịch đường sông ra cửa biển Trần Đề.

     Hiện nay, Tỉnh đã có bến tàu cao tốc đi Trần Đề - Côn Đảo, khai thác từ năm 2017,  với hai công ty đang hoạt động với tần suất trung bình từ 3 - 5 chuyến/ngày, trước khi có dịch COVID-19. Những lợi thế đường sông với 35 sông, kinh,  rạch lớn với chiều dài 685,5km còn bỏ ngỏ, phục vụ lưu thông cho tàu, ghe có trọng tải từ 10 tấn trở lên và hàng ngàn kinh rạch nhỏ cho ghe, xuồng từ 2 tấn đến 3 tấn lưu thông.

          Đặc biệt, tỉnh có chợ nổi Ngã Năm thuộc thị xã Ngã Năm mang đậm dấu ấn đặc trưng của văn hóa miền sông nước Nam Bộ. Dọc theo sông Hậu kéo dài từ huyện Kế Sách đến huyện Cù Lao Dung là những dãy cù lao được xem là tiềm năng để phát triển loại hình du lịch đường sông. Những lợi thế này cho thấy, ngoài việc  tập trung cho các loại hình du lịch truyền thống như tâm linh tín ngưỡng, văn hóa lễ hội, lịch sử về nguồn, du lịch cộng đồng …., Sóc Trăng có thể khai thác loại hình mới là du lịch đường sông.

Bến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo

          Trong đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, có nêu rõ tỉnh sẽ phát triển 10 sản phẩm du lịch chủ lực và 6 sản phẩm du lịch bổ sung. Về sản phẩm chủ lực, tập trung phát triển sản phẩm liên quan đến văn hóa tâm linh, văn hóa lễ hội, ẩm thực Sóc Trăng, văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên của huyện Châu Thành, sinh thái biển Mỏ Ó, sông nước miệt vườn cồn Mỹ Phước (Kế Sách), sinh thái biển Cù Lao Dung, sinh thái biển Hồ Bể (thị xã Vĩnh Châu) và điểm du lịch Tân Huê Viên, sinh thái rừng tràm kết hợp văn hóa về nguồn tại khu căn cứ Tỉnh ủy, du lịch văn hóa thương hồ tại chợ nổi Ngã Năm. Về sản phẩm du lịch bổ sung, đầu tư phát triển du lịch cộng đồng cồn Phong Nẫm (Kế Sách), xã Phú Tân và xã Phú Tâm (Châu Thành); du lịch sinh thái, tâm linh vườn cò Sáu Xom (Mỹ Xuyên); sinh thái sông nước miệt vườn tại xã An Thạnh I và An Thạnh Tây (Cù Lao Dung); sinh thái nông nghiệp nông thôn Mỹ Xuyên - Trần Đề;  du lịch điện gió Vĩnh Châu - Trần Đề - Cù Lao Dung.

          Cụm du lịch cộng đồng cồn Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách gắn liền với du lịch xanh, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái đậm chất Nam Bộ. Khu vực cồn là ấp này có chiều dài 5 km với diện tích tự nhiên 1.020 ha với, trong đó diện tích trồng cây ăn trái khoảng 300 ha. Cồn Mỹ Phước là địa điểm tổ chức lễ hội sông nước miệt vườn hằng năm vào ngày mùng 4 và mùng 5 âm lịch. Hiện nay, huyện Kế Sách đang tiếp tục nâng chất Lễ hội sông nước miệt vườn Mỹ Phước đồng thời kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng các khu dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng tại đây, cũng đang tiếp tục thực hiện quy hoạch vùng cây ăn trái chuyên canh và xen canh cho trái bốn mùa ở cồn Mỹ Phước cũng như cho xã cù lao Phong Nẫm, gắn với đầu tư tu bổ, mở rộng hệ thống giao thông quanh cồn, nhằm tạo sự giao thông thuận lợi, khuyến khích tạo ra nhiều sản phẩm du lịch để thu hút các nhà đầu tư và khách tham quan.

          Một số giải pháp phát triển du lịch đường sông của tỉnh

          Theo quyết định phê duyệt quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 của Chính phủ, thành phố Sóc Trăng thuộc tỉnh Sóc Trăng được quy hoạch đô thị loại I, có vai trò rất quan trọng trong liên kết vùng. Đặc biệt, Chính phủ vừa quyết định đầu tư xây dựng cảng biển nước sâu với đường dẫn dài 20 km từ bờ biển Trần Đề đi ra biển Đông.  Tỉnh và TP. Sóc Trăng, một số huyện đã triển khai, kêu gọi các dự án đầu tư xây dựng tuyến phố đi bộ dọc bờ sông Maspero, xây dựng cụm homestay, nhà hàng du thuyền trên sông Maspero, trên Cù Lao Dung và sông Hậu.

          Theo đó, bờ kè hai bên sông Maspero đoạn từ cầu C247 đến cầu 30/4 có tổng chiều dài khoảng 700m, được thành phố Sóc Trăng đầu tư cải tạo thành khu đi bộ và đang trong quá trình thi công. Đây là lợi thế rất lớn để khai thác dịch vụ ẩm thực trên bờ kè và phát triển du lịch trên sông. Về lâu dài, có thể đấu thầu cho các doanh nghiệp vào đầu tư khai thác nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về thương mại - dịch vụ - du lịch của thành phố Sóc Trăng.

          Việc hoàn thành mở tuyến lộ dài gần 20km từ cầu Mạc Đĩnh Chi (thành phố Sóc Trăng) đến huyện Trần Đề để kết nối với cảng biển nước sâu, giúp cho việc lưu thông khoảng cách 2 điểm này chỉ khoảng 20 - 30 phút, rút ngắn 30 phút khi đi đường vòng. Khi đó, Sóc Trăng sẽ kêu gọi nhà đầu tư xây dựng hệ thống cáp treo vượt biển từ huyện Trần Đề sang huyện Cù Lao Dung nằm giữa sông Hậu. Cầu Đại Ngãi nối liền huyện Long Phú với Cù Lao Dung sẽ giúp huyện đảo này trở thành điểm đến lý tưởng của du khách với các loại hình du lịch sinh thái vùng sông nước và du lịch cộng đồng. Nếu khai thác phát triển một số hoạt động văn hóa kết hợp với du lịch đường sông trong tỉnh sẽ làm phong phú thêm loại hình du lịch ở Sóc Trăng. Đó là: tái hiện Lễ hội “đấu đèn” trong dịp Tết Nguyên tiêu hàng năm cùng các lễ hội tâm linh, lễ hội tôn vinh nghề làm bánh pía - Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, tổ chức lễ hội Bún nước lèo, biểu diễn nghệ thuật sân khấu dù kê ở chùa Bôtum Vong Sa Som Rong, nhạc ngũ âm tại chùa Mahatup (chùa Dơi), …

          Ngoài ra, với thế mạnh về đường thủy, tỉnh Sóc Trăng có tuyến đường biển quốc tế và trong nước qua cửa sông Hậu vào cảng Cần Thơ. Từ Sóc Trăng có thể đi đến hầu hết các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh, với 8 tuyến đường thủy và nhiều tàu biển. Cảng biển nước sâu được triển khai sẽ là điểm nhấn quan trọng để Sóc Trăng phát triển du lịch đường sông - biển mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, tuyến cao tốc Trần Đề đi Côn Đảo khai trương từ tháng 7/2017 đã tạo điểm nhấn và mang đến thời cơ mới đối với phát triển du lịch Sóc Trăng. Nếu tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo phải mất từ 8 - 12 giờ đi tàu thì tuyến Sóc Trăng - Côn Đảo chỉ mất khoảng 2 giờ 30 phút, tiết kiệm thời gian và chi phí. Tuy có lợi thế khi mở tuyến tàu cao tốc này, ngành Du lịch Sóc Trăng cần phải đầu tư thêm các cơ sở lưu trú, dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm tham quan về đêm, hấp dẫn để thu hút và giữ chân du khách…

          Chợ nổi Ngã Năm cần được nghiên cứu khoa học để bảo tồn, duy trì và phát triển để phục vụ du khách, trở thành sản phẩm du lịch sông nước hấp dẫn trong điều kiện giao thông bộ phát triển mạnh mẽ và thuận tiện hơn.Từ trung tâm chợ Ngã Năm theo đương sông đi 5 ngã cần được nghiên cứu khai thác từng đoạn để phục vụ du khách gắn với trải nghiệm, tham quan làng nghề, hoạt động văn hóa văn nghệ ven theo tuyến sông.

          Những điểm dừng chân khi phát triển du lịch đường sông trên sông Hậu cần được đầu tư thích hợp để đón du khách như ở cồn Phong Nẫm, cồn Mỹ Phước (đều thuộc huyện Kế Sách), các xã An Thạnh 1, An Thạnh 3, An Thạnh Nam thuộc huyện Cù Lao Dung. Bên bờ phải sông Hậu còn có các điểm tại An Lạc Thôn (huyện Kế Sách), Đại Ngãi  (huyện Long Phú), Mỏ Ó  (huyện Trần Đề). Các hãng lữ hành có thể tổ chức tour “Hành trình khám phá Sông Hậu” từ thành phố Cần Thơ ra biển Đông theo cửa biển Trần Đề. Những dịch vụ tại các điểm dừng chân này là sự gặp gỡ chuẩn bị chu đáo của ngành du lịch Sóc Trăng và từng địa phương điểm đến./.

                                                                                                    Lý Thị Phương

Related Post

Sample Plan