DU LỊCH SÓC TRĂNG, NHÌN LẠI 30 NĂM VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN MỚI

22/04/2022 960 0

      Từ khi tái lập tỉnh Sóc Trăng năm 1992, đến năm 2002, hoạt động du lịch của tỉnh còn nhỏ bé, công tác quản lý Nhà nước về du lịch giao cho phòng quản lý du lịch chỉ có 3 người, do 1 đồng chí Phó Giám đốc Sở Thương mại Du lịch phụ trách, chỉ có vài cơ sở lưu trú trung bình, số điểm tham quan cũng hạn chế. Khách du lịch chỉ ở số lượng từ 200 đến 300.000 người/năm.

Du khách thay trang phục chuẩn bị tác mương bắt cá tại Homestay Hưng Phú (gần chợ Ngã Năm)

      Từ khi có Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 18/11/2004 của Tỉnh ủy khóa X Về phát triển thương mại và du lịch trên địa bàn tỉnh và Nghị quyết 8/NQ-TU ngày 2/8/2016 của Tỉnh ủy khóa XII Về phát triển du lịch tính Sóc Trăng đến năm 2020, tầm nhìn 2025, hoạt động du lịch Sóc Trăng có nhiều chuyển biến mới.

      Trước hết, trong 20 năm qua, cơ sở hạ tầng du lịch, điểm đến du lịch, khách du lịch, Khu du lịch của tỉnh ngày càng tăng. Tỉnh đã đầu tư trên 562 tỷ đồng cho đường giao thông, tu bổ các điểm di tích, điểm tham quan du lịch trong tỉnh. Số điểm tham quan du lịch trong tỉnh tăng khá nhanh đi đôi với các khách sạn, nhà hàng. Nếu năm 2001 cả tỉnh chỉ khoảng 15 cơ sở lưu trú thì đến cuối năm 2021 đã tăng lên 70 cơ sở lưu trú, trong này có 1 khách sạn 3 sao, 11 khách sạn 2 sao. Số điểm tham quan tương tự trong thời gian trên tăng từ 4 điểm ban đầu lên đến trên 20 điểm, trong đó có những điểm thu hút khách du lịch ngày càng đông. Đó là Chùa Quan Âm Linh Ứng, chùa SomRong, Thiền Viện Trúc lâm,... là những điểm tham quan mới, ngoài các điểm đã có từ trước như chùa Mahatup (chùa Dơi), chùa Chén Kiểu, Chùa Đất Sét, chùa Kh’leang. Toàn tỉnh có 3 điểm được HHDL ĐBSCL công nhận là điểm thu hút nhiều khách du lịch. Toàn tỉnh còn có 5 điểm kinh doanh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Gần đây vùng cù lao được đầu tư các dự án du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tiếp tục phát triển, là điểm đến mới gắn với thiên nhiên vườn cây ăn trái, rừng và biển. Đó là cồn Mỹ Phước (xã Nhơn Mỹ Kế Sách) An Thạnh 1, An Thạnh Nam (Cù Lao Dung), xã Hưng Phú (Mỹ Tú) gắn liền với chợ nổi Ngã Năm. Các di tích cấp tỉnh và cấp Quốc gia đều được đầu tư tôn tạo, tu bổ, trong đó có một số di tích là điểm đến tham quan của nhiều du khách. Tỉnh còn có 4 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ VHTTDL công nhận, đây cũng là những sản phẩm du lịch độc đáo.

Thả đèn nước nhân lễ hội Ooc om boc - Đua ghe Ngo hàng năm của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng

      Điểm nổi bật là tuyến cao tốc Trần Đề đi Côn Đảo khai trương từ tháng 7 năm 2017, tạo điểm nhấn mới trong quá trình phát triển du lịch của tỉnh. Đến nay, đã có 2 công ty tàu cao tốc khai thác tuyến đường biển này, mỗi ngày chạy từ 3 đến 5 chuyến. Từ tuyến tàu biển này, cùng với nhiều sự đầu tư cho điểm đến du lịch, sản phẩm du lịch cùng với nhiều điểm nhấn như đã nêu, Sóc Trăng được du khách trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn. Nếu năm 2005, ngành du lịch đón 482.570 lượt khách đến tỉnh, thì đến năm 2010 là 994.131 lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân là 15,55%/năm. Số lượt khách trong giai đoạn từ 2005 - 2010 tuy có tăng, nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khá thấp so với Nghị quyết (25%-30%). Đến năm 2015, tỉnh Sóc Trăng đón 1.307.000 lượt khách, tốc độ tăng trưởng là 5,1 %/năm. Năm 2019, Sóc Trăng đón tới gần 2.400.000 lượt khách, doanh thu trên 1.020 tỷ đồng. Chỉ trong 4 năm, tốc độ tăng trưởng gần gấp đôi so với năm 2015. Năm 2020, do dịch bệnh COVID-19, nên khách du lịch đến SócTrăng chỉ còn 974.000 người, bằng 40% so với con số năm 2019, doanh thu từ du lịch của tỉnh đạt khoảng 424 tỷ, giảm 58% so với cùng kỳ.

      Các đề án du lịch cộng đồng vùng cù lao, đất cồn được triển khai từ năm 2018 đến 2021 do UBND tỉnh giao Sở Khoa học và Công nghệ làm chủ đầu tư cùng đề án du lịch cộng đồng, Du lịch thông minh do Sở VHTTDL tỉnh làm chủ đầu tư được triển khai trong mấy năm nay, bước đầu đem lại hiệu quả khá phấn khởi. Ngoài ra, còn có trên 10 dự án, công trình du lịch được xã hội hóa với kinh phí trên 863  tỷ đồng.

Thưởng thức đặc sản dừa nước, mật ong tại đểm dừng chân đi bộ xuyên rừng

      Nhìn chung 20 năm qua, du lịch Sóc Trăng có bước phát triển mới, nhưng nguồn lực và tiềm năng thế mạnh du lịch của tỉnh vẫn chưa được khai thác đúng mức. Phải thấy rằng khách du lịch đến Sóc Trăng đa số là từ các công ty các tỉnh, thành phố bạn đưa đến, hay chỉ ghé tham quan vài điểm ở Sóc Trăng rồi đi tỉnh khác. Số lượng khách lưu trú qua đêm còn rất thấp. Mặt khác, Sóc Trăng chưa có các hoạt động vui chơi giải trí, những dịch vụ khám phá hấp dẫn về đêm. Tài nguyên du lịch nhân văn và tự nhiên, vật thể và phi vật thể chưa được đầu tư chọn lọc đưa vào phục vụ hoạt động du lịch. Những vấn đề khác như nguồn nhân lực, an ninh trật tự chung và nhiệm vụ bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển du lịch bền vững... là những thách thức không nhỏ đối với Sóc Trăng.

      Vì vậy, để có thể đưa du lịch Sóc Trăng phát triển tốt hơn, xin được đưa ra một số ý kiến mang tính cách đề xuất với quý lãnh đạo tỉnh và ngành chuyên môn:

      1. Tiếp tục điều chỉnh và bổ sung kịp thời chiến lược quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh. Cần thiết phải định hướng chiến lược tạo ra sản phẩm du lịch mới phù hợp với tiềm năng, thế mạnh riêng của tỉnh Sóc Trăng. Ngoài việc nâng cao chất lượng các sản phầm du lịch mới như du lịch cộng đồng vùng cồn, cù lao, vùng sông nước, triển khai phố đi bộ Sóc Trăng dọc theo 2 bên bờ sông Maspéro tại trung tâm TP. Sóc Trăng, cần có thêm những dự án bổ sung như giữ nước trên con sông thường xuyên đầy để đảm bảo cho phát triển một số dịch vụ trên sông nước về đêm và tạo quang cảnh hấp dẫn du khách nghỉ đêm tại TP. Sóc Trăng. Ngoài nhiệm vụ tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án du lịch ở Vĩnh Châu, Châu Thành, Long Phú..., ở huyện Cù Lao Dung có thể nghiên cứu dự án tiền khả thi kết hợp du lịch và dân sinh. Đó là khôi phục và sử dụng hiệu quả tuyến kinh đào từ xã An Thạnh 1 về xã An Thạnh 3, vừa phục vụ sinh nước cho sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô, vừa là sản phẩm du lịch mới của huyện và tỉnh.

 

Gian hàng Sóc Trăng tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc năm 2010 tại Thái Nguyên

       2. Tiếp tục nâng chất và phát huy tốt bản sắc văn hóa dân tộc thông qua các lễ hội. Nên nghiên cứu phục hồi tục thả đèn gió trên cơ sở bảo đảm không gây hỏa hoạn. Kinh nghiệm của Phố Cổ Thập Phần bên Đài Loan, thả đèn gió với nhiều màu sắc cả ban ngày, thu hút đông đảo du khách thế giới tham gia, đem lại việc làm cho người lao động tại chỗ, mở thêm nhiều dịch vụ mới, góp phần phát triển kinh tế gia đình và hội nhập thế giới. Có thể tổ chức làm lễ cầu an chúc phúc cho du khách đến các chùa Khmer nổi tiếng của tỉnh kèm với dịch vụ cho thuê trang phục lễ hội, lễ cưới của đồng bào dân tộc Khmer. Một số chùa, miếu, trang phục lễ hội của người Hoa cũng là sản phẩm du lịch có thể nghiên cứu đưa vào giới thiệu với khách du lịch. Có thể phát huy thế mạnh riêng có của Sóc Trăng, tiến tới nghiên cứu tổ chức lễ hội bún nước lèo và các loại bún, Lễ hội bánh pía và các loại bánh dân gian.... Cần tạo điều kiện cho du khách hội nhập, hòa mình vào không khí chung của lễ hội Sóc Trăng, các hoạt động sản xuất và đời sống ngày thường của người dân.

      3. Nhân dịp chào mừng 47 năm ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975-30/4/2022), Chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh (1992-2022) và Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh vào cuối tháng 4 năm 2022, tăng cường giới thiệu các dự án chung của tỉnh và dự án du lịch, cùng các chính sách hỗ trợ, kêu gọi đầu tư có hiệu quả các dự án du lịch theo quy hoạch, kế họach phát triển du lịch của tỉnh. Tăng cường vai trò quản lý, hỗ trợ của Nhà nước cho các công trình trọng điểm về du lịch, ưu tiên cho xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Đầu tư có trọng điểm, xây dựng được 1, 2 khu điểm du lịch của tỉnh, khác lạ so với tỉnh bạn, phù hợp với điều kiện tự nhiên và là thế mạnh của tỉnh thúc đẩy sự phát triển du lịch của cụm và toàn tỉnh, tránh dàn trải manh mún. Cần có giải pháp tốt để huy động tốt nguồn vốn đầu tư từ trong và ngoài tỉnh. Có cơ chế chính sách khuyến khích đối với các nhà đầu tư, các dự án du lịch trong tỉnh. Chú ý trong quy hoạch cần kết nối nhiều dự án để xây dựng đồng bộ các cơ sở hạ tầng về giao thông đi lại, lưu trú, nghỉ dưỡng, ẩm thực, hàng lưu niệm, dịch vụ văn hóa, văn nghệ. Nhất là khai thác có hiệu quả loại hình du lịch nông thôn, Homestay, gắn với các chương trình khám phá vùng đất mới Sóc Trăng, tạo các khu vui chơi giải trí về đêm ngay tại TP. Sóc Trăng. Dự án phố đi bộ dọc theo bờ sông Maspéro tại trung tâm TP cần được chuẩn bị chu đáo, dài hơn để có thể là điểm đến không thể thiếu được khi du khách nghỉ đêm tại TP. Sóc Trăng. Ngoài mua bán hàng lưu niệm, sản phẩm độc đáo của tỉnh, hay ăn uống đặc sản kết hợp các món ăn dân gian, có cảnh quan đẹp..., cần có các hoạt động văn hóa văn nghệ dân tộc Khmer, Hoa, có các hình thức tổ chức để du khách tham gia trải nghiệm và vui vẻ hòa mình vào trong đó. 

      4. Có một số chủ trương, chính sách hiệu quả trong bảo vệ môi trường du lịch, đảm bảo cho sự phát triển bền vững như nói không với bọc ni lông, không có rác trên sông rạch, trên đường phố, trong khu phố, đường lộ nông thôn, không có trộm cắp, không gây gổ, không có tệ nạn xã hội trong khu vực dân cư, giống như tiêu chí đối với gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, khu phố văn minh... Xử lý tốt chất thải, nước thải, diệt trừ ruồi, muỗi, chuột, gián... trong khu vực du lịch. Huy động sức mạnh của cộng đồng dân cư tại chỗ tham gia, trồng thêm cây xanh, hoa, kiểng, có thể làm thí điểm dần dần rồi nhân rộng ra.

      5. Có kế hoạch trước mắt và lâu dài để đào tạo nguồn nhân lực du lịch, có chính sách đãi ngộ, thu hút các chuyên gia, các sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành du lịch từ TP.HCM, TP. Cần Thơ về Sóc Trăng. Thường xuyên tổ chức hội thi tay nghề, quy định chuẩn tay nghề dịch vụ du lịch đúng như quy định chung. Cần chú ý bồi dưỡng tay nghề cho những hộ dân tham gia kinh doanh loại hình du lịch cộng đồng, Homestay. Ngoài ra, hàng năm có những lớp bồi dưỡng công tác quản lý nhà nước về du lịch cho cán bộ trong ngành, cán bộ tại địa phương.

      6. Công tác quảng bá giữ vai trò quan trọng, cần được quan tâm đẩy mạnh hơn. Có sản phẩm, có dịch vụ nhưng không quảng bá tốt sẽ không có khách đến hoặc đến không nhiều. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động du lịch. Có thể nói có sản phẩm du lịch hấp dẫn, mới lạ nhưng hạn chế về công tác quảng bá xúc tiến hạn chế nhiều trong khai thác thị trường khách du lịch trong và ngoài khu vực, các công ty lữ hành và du khách sẽ không biết điểm đến mới về du lịch của tỉnh. Cần phát huy công nghệ kỹ thuật số trong quảng bá xúc tiến, phát huy các trang web du lịch của tỉnh (dulichsoctrang.org, farmstaysoctrang.vn) đi đôi liên kết các trang web của tỉnh bạn, mở rộng cụm liên kết vùng với các tỉnh khu vực, cả trong và ngoài nước, để mở rộng thị trường khách du lịch đến với Sóc Trăng. Những năm gần đây, Sóc Trăng có mặt khá đều ở các hội chợ trong nước tại Hà Nội, TP. HCM, nhưng kinh phí quảng bá còn hạn chế nên sức thu hút du khách chưa được nhiều.

      Sau gần 2 năm ngưng hoạt động vì dịch bệnh COVID -19, theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, ngành du lịch Việt Nam đã chính thức mở cửa hoạt động trở lại từ ngày 15/3/2022. Tại tỉnh Bạc Liêu, vào ngày 18/3, vừa tổ chức hội nghị triển khai kế họach năm 2022, chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long cùng Quy chế phối hợp. Tại Hội nghị này, lãnh đạo Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Bạc Liêu, Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đồng bấm nút phát động mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới.

      Mới đây, từ ngày 31/3 đến ngày 3/4, Hội chợ du lịch quốc tế Hà Nội VITM 2022 được tổ chức đã thu hút 500 doanh nghiệp du lịch của 6 quốc gia tham dự 25 sự kiện du lịch và kết nối du lịch, có khoảng 40.000 lượt khách đã đến tham quan, tìm cơ hội mua sắm sản phẩm và đăng ký các tour du lịch trong và ngoài nước.

      Hội chợ VITM Hà Nội 2022 đã đem lại sự phấn khích mới cho hoạt động du lịch và các công ty lữ hành của Việt Nam cũng như du khách quốc tế. Điều vinh dự là gian hàng chung của cụm du lịch 7 tỉnh phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long (có tỉnh Sóc Trăng) cùng với tập thể 24 đơn vị khác được vinh danh là gian hàng quy mô, thiết kế ấn tượng. Vì vậy, Sóc Trăng cũng cần đẩy mạnh hơn công tác quảng bá xúc tiến du lịch; chuẩn bị tốt để mở cửa lại hoạt động du lịch, có sự chuẩn bị thêm về sản phẩm du lịch mới, về nhân lực tham gia các hoạt động du lịch và dịch vụ, có tư thế sẳn sàng chào đón các đoàn du khách đến với Sóc Trăng.

      Điều phấn khởi là từ tháng 7/2020, HĐND tỉnh đã có nghị quyết Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2020-2025. UBND tỉnh đã có kế hoạch 101/KH-UBND ngày 29/6/2021 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.

      Thể hiện sự chỉ đạo khẩn trương quyết liệt của lãnh đạo tỉnh đối với nhiệm vụ phát triển du lịch tỉnh nhà, HĐND tỉnh vừa thông qua nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 28/2/2022 về Đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022-2022, định hướng đến năm 2030. Đây là cơ sở pháp lý mạnh mẽ để toàn tỉnh triển khai quyết liệt, chặt chẽ hơn đối với nhiệm vụ quy hoạch phát triển du lịch tỉnh nhà từ nay đến năm 2030.

      Với vai trò tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang có những kế hoạch cụ thể, huy động lực lượng trong ngành phối hợp các ban ngành và các địa phương để triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết, đề án, quy định nêu trên. Với sự chỉ đạo quyết liệt và với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp, hy vọng rằng du lịch Sóc Trăng sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ hơn, tiến tới khẳng định là một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, đóng góp với tỷ lệ ngày càng tăng trong tổng GDP của tỉnh hàng năm./.

Trịnh Công Lý

Related Post

Sample Plan