CÔNG TÁC QUY HOẠCH, ĐẦU TƯ VÀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỦA TỈNH

01/02/2023 820 0

Trong xu thế hiện nay, du lịch được xem là ngành công nghiệp không khói, có tốc độ tăng trưởng cao, là giải pháp quan trọng nhằm phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới, hòa cùng xu thế trên để đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực cho phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Sóc Trăng cũng đã ban hành và triển khai nhiều văn bản tạo tiền đề và thúc đẩy du lịch của tỉnh phát triển. Năm 2016, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về phát triển du lịch Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 (Nghị quyết 05).

Qua quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết 05, hoạt động du lịch của tỉnh có những khởi sắc và chuyển biến tích cực mang lại hiệu quả thiết thực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.; chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch từng bước được nâng lên; lượng khách du lịch và doanh thu từ du lịch tăng cao và ổn định trong giai đoạn 2016 - 2019 (trừ năm 2020, 2021 do ảnh hưởng dịch Covid -19).

 Tuy nhiên, du lịch Sóc Trăng vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa được đầu tư đúng mức và thiếu đồng bộ; tiến độ triển khai thực hiện các dự án còn chậm; các sản phẩm du lịch đặc thù ít và chưa phong phú, thiếu các khu vui chơi giải trí để thu hút khách nghỉ đêm tại Sóc Trăng; hệ thống cơ sở lưu trú còn ít, thiếu các nhà hàng chuyên phục vụ các món ăn đặc sản của các dân tộc, khu nghỉ dưỡng cao cấp; chưa khai thác tốt các loại hình di sản văn hóa và di tích lịch sử phục vụ khách tham quan du lịch; nguồn nhân lực du lịch trong tỉnh còn thiếu, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch còn hạn chế; công tác xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá du lịch của tỉnh còn bị động, mô hình, phương thức có đổi mới nhưng hiệu quả chưa cao; mức độ tham gia đầu tư của người dân vào hoạt động du lịch còn thấp; công tác triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh còn chậm.

Trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được, đánh giá hạn chế, nguyên nhân tồn tại, đồng thời xét tổng thể bối cảnh phát triển du lịch chung của khu vực và cả nước. Tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, tập trung nguồn lực của địa phương, đẩy mạnh và kêu gọi nguồn lực xã hội hóa, với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh và là một trong những trung tâm du lịch về lễ hội của khu vực ĐBSCL. Ngày 29/4/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Quyết định số 1156/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030” với những định hướng về quy hoạch, đầu tư phát triển các sản phẩm, dịch vụ, dự án du lịch nhằm đưa du lịch Sóc Trăng trở thành ngành kinh tế quan trọng với hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm du lịch đa dạng, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.

Đoàn chuyên gia làm việc tại các huyện, thị xã xây dựng đề án phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng (Ảnh Thanh Dũng)

* Công tác quy hoạch, đầu tư các sản phẩm, dịch vụ, đề án du lịch

          Theo Đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng, từ nay đến năm 2030 sẽ tập trung quy hoạch phát triển 10 sản phẩm du lịch chủ lực, 06 sản phẩm du lịch bổ sung và 04 không gian du lịch cùng với các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư từng giai đoạn theo cụm trên địa bàn tỉnh, cụ thể:

- Sản phẩm du lịch chủ lực: Du lịch văn hóa tâm linh thành phốSóc Trăng; du lịch văn hóa lễ hội - ẩm thực thành phố Sóc Trăng; du lịch văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên huyện Châu Thành; du lịch sinh thái biển Mỏ Ó huyện Trần Đề; du lịch sông nước miệt vườn cồn Mỹ Phước huyện Kế Sách; du lịch sinh thái biển Cù Lao Dung; du lịch sinh thái biển Hồ Bể Vĩnh Châu; điểm du lịch Tân Huê Viên Châu Thành; du lịch sinh thái rừng tràm kết hợp văn hóa về nguồn tại Khu Căn cứ Tỉnh ủy huyện Mỹ Tú; du lịch văn hóa thương hồ chợ nổi Ngã Năm.

Đ/c Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành khảo sát tiến độ triển khai dự án Khu văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên (Ảnh Thanh Dũng)

- Sản phẩm du lịch bổ sung: Du lịch cộng đồng cồn Phong Nẫm huyện Kế Sách; du lịch văn hóa cộng đồng tại xã Phú Tân và xã Phú Tâm huyện Châu Thành; du lịch sinh thái, tâm linh vườn cò Sáu Xom huyện Mỹ Xuyên; du lịch sinh thái sông nước miệt vườn tại xã An Thạnh I và An Thạnh Tây huyện Cù Lao Dung; du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn Mỹ Xuyên – Trần Đề; du lịch điện gió Vĩnh Châu - Trần Đề - Cù Lao Dung.

- Không gian du lịch theo cụm trên địa bàn tỉnh:

+ Cụm du lịch đô thị thành phố Sóc Trăng, phát triển 03 sản phẩm du lịch: Du lịch văn hóa tâm linh; du lịch văn hóa lễ hội - ẩm thực - mua sắm; du lịch kết hợp làm đẹp và chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng, với các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư gồm:

Ø 05 dự án triển khai giai đoạn 2022 – 2025: Dự án Phát triển mô hình dịch vụ văn hóa nghệ thuật ca múa nhạc truyền thống phục vụ phát triển du lịch của tỉnh Sóc Trăng. Dự án xây dựng khu phố du lịch Maspero (với các hạng mục: chợ đêm, phố đi bộ, phố ẩm thực, trang trí bờ sông). Dự án phát triển sản phẩm du lịch kết hợp làm đẹp và chăm sóc sức khỏe tại thành phố Sóc Trăng. Dự án phát triển sản phẩm du lịch về đêm. Dự án xây dựng Làng Homestay Sông Đinh (tại bờ đối diện trung tâm thành phố, khu vực cầu Sông Đinh bắc qua).

Ø 02 dự án định hướng đến năm 2030: Dự án phát triển thuyền du lịch trên sông Maspero (đoạn từ cầu Nguyễn Văn Linh đến cầu Sông Đinh). + Dự án phát triển Làng homestay Maspero (tại bờ đối diện trung tâm thành phố Sóc Trăng).

+ Cụm du lịch Châu Thành - Mỹ Tú - Ngã Năm - Thạnh Trị, tập trung phát triển sản phẩm du lịch văn hóa và du lịch sinh thái, với các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư gồm:

Ø 06 dự án triển khai giai đoạn 2022 – 2025: Dự án phát triển Khu du lịch văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên huyện Châu Thành (đang triển khai - dự kiến đưa vào hoạt động năm 2023). Dự án công trình Tòa Liên Hoa Bảo tháp - Tân Huê Viên (đã triển khai – dự kiến hoàn thiện đưa vào hoạt động năm 2022). Dự án phát triển Làng văn hóa du lịch Chợ nổi Ngã Năm (đang xây dựng dự án). Dự án Bảo tồn chợ nổi Ngã Năm; cải tạo cảnh quan môi trường. Dự án phát triển Khu du lịch sinh thái rừng tràm kết hợp du lịch văn hóa về nguồn tại Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng (Mỹ Tú). Dự án xây dựng điểm dừng chân Thạnh Trị(tại thị trấn Phú Lộc).

+ Cụm du lịch Mỹ Xuyên - Trần Đề - Vĩnh Châu, tập trung phát triển du lịch sinh thái biển và du lịch tâm linh, với các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư gồm:

Ø 04 dự án triển khai giai đoạn 2022 – 2025: Dự án phát triển Du lịch sinh thái Hồ Bể (chùa Quan âm Đông Hải Vĩnh Châu - đang triển khai thực hiện). Dự án xây dựng ngọn Hải Đăng kết hợp Đài Quan sát tại phường 1 thị xã Vĩnh Châu (kết hợp khai thác điểm tham quan Miếu Bà Thiên Hậu). Dự án mở rộng phát triển dịch vụ du lịch tại chùa Chén kiểu (Mỹ Xuyên) + Phát triển Điểm dừng chân Minh Khải phục vụ khách du lịch (Mỹ Xuyên). Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, phát triển dịch vụ du lịch sinh thái vườn cò Sáu Xom (Mỹ Xuyên).

Ø 04 dự án định hướng đến năm 2030: Dự án phát triển du lịch sinh thái biển Mỏ Ó huyện Trần Đề. Dự án phát triển Phố biển Trần Đề (Trần Đề). Dự án xây dựng “Điểm dừng chân Trần Đề”. Dự án Phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp , nông thôn Mỹ Xuyên - Trần Đề (Nông, Thủy, Hải sản, xây dựng Bảo tàng lúa nước Sóc Trăng).

+ Cụm Du lịch Cù Lao Dung - Kế Sách - Long Phú, phát triển sản phẩm du lịch sinh thái miệt vườn và sinh thái biển, với các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư gồm:

Ø 06 dự án triển khai giai đoạn 2022 – 2025: Dự án phát triển sản phẩm du lịch sinh thái sông nước miệt vườn trên dãy Cù Lao dọc Sông Hậu (Kế Sách - Cù Lao Dung). Dự án nâng tầm Lễ hội du lịch sinh thái sông nước miệt vườn cồn Mỹ Phước (huyện Kế Sách). Dự án Khu sinh thái nghỉ dưỡng - sân golf tại Cồn nổi số 3 (Long Phú). Nâng cấp đường giao thông Cồn Mỹ Phước xã Nhơn Mỹ, Kế Sách. Dự án xây dựng “Điểm dừng chân Kế Sách”. Dự án Bến tàu du lịch kết nối Cù Lao Dung với Trần Đề, Kế Sách và thành phốSóc Trăng.

Ø 02 dự án định hướng đến năm 2030: Dự án phát triển du lịch sinh thái biển Cù Lao Dung. Dự án phát triển khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn kết hợp nghỉ dưỡng tại homestay, farmstay trong rừng bần (Cù Lao Dung).

* Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh

Trên cơ sở đánh giá và thực tiễn của địa phương, để tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tiếp cận và tham gia vào hoạt động du lịch. Tại kỳ họp lần thứ 19, ngày 07/7/2020, Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng khóa IX đã thông qua Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2020 – 2025 để cụ thể hóa Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy, tạo điều kiện và là đòn bẩy cho du lịch Sóc Trăng phát triển vươn xa, trở thành một trong những trung tâm du lịch và lễ hội của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

          Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND, ngày 07/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh (Nghị quyết 05 của Hội đồng nhân dân tỉnh) được triển khai, áp dụng dành cho các đối tượng là doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp kinh doanh phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, với nội dung hỗ trợ phong phú và định mức hỗ trợ tương đối khá. Tổng dự toán kinh phí hỗ trợ là 76 tỷ 850 triệu đồng, được phân kỳ thực hiện trong giai đoạn 5 năm (2020 – 2025), tập trung vào 10 nội dung hỗ trợ: xây dựng mới nhà hàng kết hợp bán hàng đặc sản, sản phẩm OCOP, quà tặng du lịch, quà lưu niệm của tỉnh Sóc Trăng; lãi suất vốn vay xây dựng khách sạn đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao trở lên; đầu tư mua hoặc đóng mới phương tiện vận tải khách du lịch đường thủy nội địa; kinh doanh loại hình nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê; đầu tư xây dựng, nâng cấp Điểm du lịch; đầu tư xây dựng, nâng cấp phát triển thành Khu du lịch cấp tỉnh; đầu tư cho các di tích lịch sử, văn hóa thu hút khách du lịch; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng nhà vệ sinh công cộng và lãi suất vốn vay cho các dự án vui chơi, giải trí.

Tuy nhiên, năm 2021, dịch Covid -19 tiếp tục diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của ngành du lịch Sóc Trăng. Lượt khách và doanh thu từ du lịch giảm mạnh. Đặc biệt, dịch bệnh Covid – 19 kéo dài, đã làm cho việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 05 của Hội đồng nhân dân tỉnh gặp nhiều khó khăn, không đạt kế hoạch đề ra và không có doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nào đề nghị xin hỗ trợ. Đồng thời, ở một số địa phương việc triển khai, quán triệt Nghị quyết còn chậm, hình thức tổ chức chưa đa dạng, phong phú đã làm giảm khả năng chuyển tải và phổ biến rộng rãi nội dung chính sách đến với các đối tượng thụ hưởng.  

Trong năm 2022, Sở VHTTDL đã phối hợp cùng với các Sở, ngành, địa phương  tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh công cộng tại các điểm du lịch, hỗ trợ cho các hộ kinh doanh homestay tại các cụm du lịch xây dựng cơ sở lưu trú phục vụ nhu cầu của khách du lịch.

Để triển khai có hiệu quả Đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; cũng như các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh. Trong thời gian tới, Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp cùng với các Sở, các ngành, đơn vị có liên quan tập trung triển khai và thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

 

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025; Nghị quyết của UBND, HĐND về phát triển du lịch và hỗ trợ phát triển du lịch; Đề án phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng. Các cấp ủy, chính quyền, địa phương cần đổi mới tư duy với định hướng phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường, đảm bảo nhất quán về quan điểm mục tiêu, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành một trong những trụ cột p hát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, các cơ sở kinh doanh du lịch về vị trí, vai trò của ngành du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thống nhất quan điểm xem du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đẩy mạnh cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao đời sống nhân dân.

2. Tiếp tục tăng cường đầu tư mới các sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng, khai thác có hiệu quả các sản phẩm du lịch trọng điểm, nhất là các sản phẩm du lịch đã được thị trường tiếp nhận, qua đó từng bước kết nối tour, tuyến thu hút khách du lịch. Tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng 10 sản phẩm du lịch chủ lực có thế mạnh của tỉnh; phát triển 6 sản phẩm du lịch bổ sung và các điểm dừng chân trên địa bàn các huyện. Phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống, các mô hình du lịch cộng đồng gắn với các sản phẩm OCOP của mỗi địa phương. Trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc cổ, nhất là các di tích đã được xếp hạng gắn với việc tổ chức các dịch vụ phục vụ khách du lịch.

3. Tập trung đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Tăng cường các nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp, đầu tư mới hệ thống cơ sở lưu trú, trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao, trung tâm giải trí về đêm, khu phố đi bộ gắn với đặc trưng văn hóa 3 dân tộc, Kinh, Khmer, Hoa để thu hút khách du lịch tham quan trải nghiệm.

4. Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện chương trình liên kết phát triển du lịch với TP.HCM và cụm phía Tây ĐBSCL. Tổ chức gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp lữ hành của các địa phương để kịp thời định hướng nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình liên kết, hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai bản thỏa thuận về ký kết tour, tuyến du lịch cũng như liên kết cung cấp các dịch vụ du lịch giữa đại diện các doanh nghiệp du lịch Sóc Trăng với các công ty du lịch, đơn vị lữ hành các tỉnh, thành phố trong cả nước.

5. Tập trung khai thác thị trường khách du lịch nội địa đến từ thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam bộ, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, các tỉnh ĐBSCL và các tỉnh phía Bắc là những thị trường rất có tiềm năng. Trong đó, chú trọng thu hút khách du lịch tâm linh; du lịch văn hóa lễ hội - ẩm thực - mua sắm; du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, chăm sóc sắc đẹp, sức khỏe.

6. Xây dựng chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch, cụ thể hóa thành các kế hoạch hàng năm, các chương trình xuyên suốt. Xác định rõ thông điệp truyền thông, đối tượng truyền thông, mục tiêu truyền thông. Tích hợp các công cụ hiện đại trong chương trình xúc tiến du lịch; xây dựng thương hiệu cho các địa bàn du lịch trọng điểm, các sản phẩm du lịch chủ lực, trong đó xác định rõ giá trị cốt lõi cho các đối tượng khách du lịch. Ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.

7. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác du lịch, về công tác quản lý ngành; các kiến thức, kỹ năng hỗ trợ chuyên ngành. Hỗ trợ cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp tổ chức các khóa đào tạo nghiệp vụ, trọng tâm là quản trị du lịch, marketing du lịch, quản trị nhà hàng khách sạn, chăm sóc khách hàng, kỹ năng giao tiếp, kiến thức kinh doanh cho cộng đồng cư dân làm du lịch.

8. Nâng cao năng lực và nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp và cư dân về môi trường du lịch và phát triển du lịch bền vững. Hoàn thiện các cơ chế chính sách bảo vệ môi trường du lịch; Chú trọng môi trường du lịch an toàn, lành mạnh, thân thiện, hấp dẫn. không có tình trạng ăn xin, lôi kéo khách du lịch, nâng giá dịch vụ không kiểm soát tại các khu du lịch.

9. Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch từ cấp tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý du lịch; phát huy vai trò Ban Chỉ đạo phát triển du lịch của tỉnh và của các huyện, thị xã, thành phố; tăng cường hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò của Hiệp hội Du lịch tỉnh để đảm bảo là cầu nối giữa doanh nghiệp kinh doanh du lịch và các cơ quan quản lý nhà nước.

10. Khuyến khích cộng đồng cư dân và doanh nghiệp phát triển du lịch: Tích cực đóng góp ý kiến để các cấp chính quyền ra quyết định chính sách phù hợp hơn đối với doanh nghiệp. Thực hiện chủ trương của tỉnh trong phát triển bền vững, khi phát triển các sản phẩm du lịch cần tham khảo kết quả nghiên cứu về tiềm năng và nhu cầu của khách du lịch; tích hợp dịch vụ trải nghiệm cho du khách. Tích cực tham gia chương trình “mỗi xã một sản phẩm” để phát triển hệ thống sản phẩm OCOP, phát huy các nghề truyền thống. Tham gia các mô hình liên kết cộng đồng trong kinh doanh du lịch. Tăng cường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Phát triển quan hệ liên kết với doanh nghiệp du lịch lớn của Thành phố Hồ Chí Minh, ĐBSCL để kết nối tour - tuyến.

Có thể nói, việc ban hành Đề án về phát triển du lịch, Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, đây là tiền đề, đòn bẩy quan trọng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được tham gia vào hoạt động phát triển du lịch, từng bước đưa ngành du lịch Sóc Trăng trở thành ngành kinh tế quan trọng, vươn lên sánh cùng với các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước/.

Phạm Văn Đâu

Related Post

Sample Plan