VIỆT NAM XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU DU LỊCH VĂN HÓA DỰA TRÊN GIÁ TRỊ DI SẢN VÀ VĂN HÓA ẨM THỰC

04/03/2021 1032 0
Vừa qua, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa. Mục tiêu của Đề án là định vị thương hiệu văn hóa du lịch Việt Nam dựa trên các giá trị văn hóa đặc sắc của nước ta, tập trung vào giá trị di sản và giá trị văn hóa ẩm thực, qua đó hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao.

Được biết, phát triển thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa là bước cụ thể hóa Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam thông qua việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nhằm góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế và năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Nhiệm vụ của Đề án tập trung vào 3 nhóm chính, gồm: Quảng bá thương hiệu du lịch văn hóa; Hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch di sản, du lịch ẩm thực; và Chính sách khuyến khích du lịch di sản, du lịch ẩm thực, trong đó:

Nhiệm vụ về quảng bá thương hiệu du lịch văn hóa: sẽ xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam về di sản và ẩm thực; xây dựng các ấn phẩm, vật phẩm và các công cụ marketing nhận diện thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam về di sản và ẩm thực; Tổ chức triển khai các chương trình, hoạt động truyền thông thương hiệu du lịch văn hóa như: quảng bá thương hiệu du lịch văn hóa trên kênh truyền hình trong nước và quốc tế, tạp chí du lịch và các báo, tạp chí liên quan; các kênh truyền thông điện tử.

Bên cạnh đó, chú trọng quảng bá tại các hội chợ du lịch; tuần văn hóa Việt Nam; năm du lịch quốc gia; chương trình giới thiệu điểm đến du lịch; chương trình khảo sát phát triển sản phẩm du lịch ẩm thực, di sản; chương trình gặp gỡ doanh nghiệp; các sự kiện về ẩm thực và di sản. Tổ chức đánh giá, công nhận và vinh danh các danh hiệu. Đặc biệt, sẽ phối hợp lồng ghép những điểm đến du lịch, sản phẩm du lịch về di sản và ẩm thực vào các tác phẩm nghệ thuật (phim, ảnh…)

Nhiệm vụ về hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch di sản, du lịch ẩm thực: tập trung thực hiện một số công việc chính gồm: hỗ trợ nghiên cứu, sưu tầm, biên tập, phục dựng và phát triển các giá trị di sản và ẩm thực để hình thành, gia tăng giá trị các sản phẩm du lịch. Tổ chức hội thảo chuyên đề du lịch di sản và du lịch ẩm thực; các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về du lịch di sản và du lịch ẩm thực. Tổ chức các đoàn khảo sát phát triển sản phẩm du lịch di sản và du lịch ẩm thực.

Lễ hội Oóc Om Bóc – nét văn hóa đặc sắc thu hút khách du lịch đến với Sóc Trăng

Nhiệm vụ về chính sách khuyến khích du lịch di sản, du lịch ẩm thực, sẽ tổ chức quy hoạch phát triển các điểm đến du lịch gắn với di sản và ẩm thực. Xây dựng các chính sách phát triển có trách nhiệm với di sản, đa dạng văn hóa, đảm bảo phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa. Xây dựng công cụ kiểm soát an toàn thực phẩm đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch ẩm thực. Khuyến khích sáng tạo khởi nghiệp gắn kết du lịch với các ngành công nghiệp văn hóa; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch văn hóa, đặc biệt là văn hóa ẩm thực và di sản.

Trong tổ chức thực hiện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp vai trò bảo vệ di sản, giữ gìn phát huy giá trị của di sản, văn hóa ẩm thực, tham gia các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch quốc gia; trên cơ sở định hướng chung về thị trường, sản phẩm có kế hoạch thực hiện các giải pháp, tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá điểm đến của địa phương.

Trong 2 năm 2019 và 2020, Việt Nam được Tổ chức giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) bình chọn là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới và 3 hạng mục Điểm đến Di sản, Ẩm thực và Văn hóa hàng đầu châu Á. Qua đó, khẳng định thương hiệu và sức hấp dẫn của du lịch văn hóa Việt Nam trên thế giới, đặc biệt là giá trị di sản và ẩm thực.

           Ẩm thực Sóc Trăng được du khách ưa chuộng và đánh giá cao

Riêng với tỉnh Sóc Trăng, hiện nay có 08 di tích cấp quốc gia, 39 di tích cấp tỉnh cùng một số điểm đang ở dạng tiềm năng, trong số các di tích trên nhất là di tích lịch sử - văn hóa đã góp phần vào hoạt động du lịch của địa phương, đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ về trách nhiệm giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, lịch sử  truyền thống của dân tộc. Thông qua việc giới thiệu hình ảnh, ý nghĩa từng điểm đến, những di tích này giúp cho du khách nước ngoài hiểu thêm về đất nước và con người Việt Nam nói chung, vùng đất và con người của tỉnh Sóc Trăng nói riêng, qua đó, tạo nên những mối quan hệ giao lưu mới về văn hóa, lịch sử, ngoại giao trong hiện tại và tương lai.

Ngoài ra, từ lâu Sóc Trăng cũng rất nổi tiếng là xứ sở của nhiều món ngon, đặc sắc, từ bún nước lèo, bún gỏi dà, bánh pía, bánh cống, khô trâu, mắm cá rô không xương,… mỗi đặc sản đều mang hương vị và đặc trưng riêng khiến du khách thưởng thức một lần đã lưu luyến, khó quên. Trong thời gian tới, Sóc Trăng sẽ tiếp tục phát huy tốt giá trị những di sản, di tích văn hóa và giá trị ẩm thực của địa phương, góp phần thu hút du khách trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển các hoạt động du lịch, dịch vụ trong nước và của địa phương, giải quyết lao động, việc làm, tăng thu nhập cho kinh tế hộ gia đình, doanh nghiệp và tăng nguồn thu cho ngân sách.

An Nhiên

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu