VỀ SÓC TRĂNG KHÁM PHÁ NHỮNG DI VẬT CỔ

04/03/2021 2744 0
Sóc Trăng tuy là vùng đất mới khai phá vài trăm năm nay, nhưng trước đó, các di vật khảo cổ được phát hiện đã đem đến cho các nhà nghiên cứu, các du khách trong và ngoài nước khá nhiều điều lý thú về vùng đất này. Ngoài bản sắc văn hóa, lễ hội, ẩm thực, kiến trúc độc đáo của 3 dân tộc, Sóc Trăng còn là nơi phát hiện một số bức tượng cổ, gọi là di vật xa xưa thời kỳ Óc Eo và hậu Óc Eo.Gần đây nhất là việc phát hiện bức tượng cổvào giữa năm 2020 tại khu đất ruộng thuộc ngôi chùa Buôl Pres Phek(chùa Bốn Mặt) thuộc xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.

Về tổng thể, bức tượng cao khoảng 1mét 1, gồm có đầu đội mũ hình chóp, 4 tay, đều cụt trên khuỷu tay, 2 chân đều cụt trên đầu gối. Sau đó vài ngày, sau những trận mưa, lại liên tục phát hiện các cánh tay có cầm một vật giống như chiếc dĩa, cây trượng hoặc chủy...

Tượng thần Vishnu 

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng đã có quyết định thành lập Hội đồng khoa học để  thẩm định trên cơ sở khoa học về nguôn gốc xuất hiện, chất liệu, ý nghĩa của tượng. Tham gia Hội đồng ngoài lãnh đạo của Sở VHTTDL, Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng, còn có các nhà khoa học chuyên ngành về Khảo cổ học đã và đang công tác Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh, Viện Khoa học xã hội Vùng Nam bộ. Hội đồng đã trực tiếp tìm hiểu, khảo sát, so sánh đối chiếu với nhiều hiện vật đã phát hiện ở các tỉnh trong thời gian qua ở các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo kết luận của Hội đồng,  đây là bức tượng của Thần Vishnu, một trong 3 vị thần được tôn thờ theo Ấn Độ giáo. Cả ba vị Thần tạo thành bộ tam thần Trimurti, thường được gọi là "Brahma-Vishnu-Maheshwara.Phối ngẫu của ba vị thần gồm ba nữ thần: Saraswati, Lakshmi và Parvati gọi là Tridevi, được coi là phiên bản nữ của Tam thần Ấn giáo và cùng với Trimurti được tôn kính trên tất cả các vị thần khác"Theo các tài liệu lưu trữ, Ấn Độ giáo là một tôn giáo xuất hiện tại Ấn Độ cách nay khoảng 1.500 năm trước công nguyện, thờ 3 vị thần là Thần Vishnu Shivavà Brahma. Tuy là 3 tượng Thần nhưng chỉ là 1 Thần duy nhất theo kinh sách, nên còn được gọi là tam vị nhất thể.

Tác giả gặp sự trụ trì chùa Bốn Mặt

Vishnu được gọi là thần Bảo tồn, Thần Shiva còn gọi là Thần hủy diệt[1] và Thần Brahma là Thần Sáng tạo, có 4 mặt. Theo thần thoại Hindu, Tượng Thần Vishnu luôn có bốn tay, hai tay sau, một tay cầm vỏ ốc (Shanka) biểu tượng nguồn gốc của sự sống và một tay cầm một cái dĩa; hai tay trước, tay phải cầm quả cầu (Bhu) tượng trưng cho trái đất, tay trái đặt lên cây trùy dài hay cây trượng. Còn Thần Brahma là người sáng tạo và lèo lái vũ trụ. Brahma là cha của các thần và của loài người.

Về 4 tay cầm bốn hiện vật, có nhiều sự giải thích tuy có khác nhau chút ít tùy nơi chế tác, nhưng trong cuốn Áo nghĩa thư (Upanishad) đã ghi lại lời của thần Vishnu đại ý sau đây:

+ Ta cầm vỏ ốc tượng trưng cho các động lực bí ẩn thúc đẩy sự chuyển động sinh sôi nảy nở của cuộc sống muôn loài.

+ Ta cầm cái dĩa tròn như mặt trời tượng trưng cho nguồn sáng vi diệu của trí tuệ.

+ Ta cầm cây cung tượng trưng cho ảo vọng và tất cả những gì phù du đã, đang và sẽ lao đi mất hút theo một mũi tên vô hình do thần Thời gian vót nhọn.

+ Và ta cầm một cây chùy tượng trưng cho sức mạnh của sự hiểu biết nguyên sơ, nguyên tánh, có quyền năng dẹp sạch những kiến giải phàm phu vụn vặt và đánh vỡ những bến bờ mộng mị mọc lên giữa hai dòng chảy của hư vô.

Theo Nguyễn Trần Tiến[2], ý nghĩa của 4 hiện vật cầm trên tay Thần Visdnu được thể hiện như sau:

- Vỏ ốc (Panchajanya) Ngài giữ trên tai trái có ý nghĩa là sự sáng tạo. Panchajanya được xem như là sự khởi đầu của năm yếu tố: đất, nước, lửa, không khí và bầu trời.

- Bánh xe (chakra), Ngài giữ trên tay phải, là một vũ khí sắc bén có tên “Sudarshana”. Con đường xác định chân lý vĩnh cữu. Vũ khí này đại diện là hoa sen có sáu cánh, quyền lực điều khiển tất cả sáu mùa.

- Cây gậy Gada (Kaumodaki) Ngài nắm trong tay trái phía dưới, đại diện cho sự tồn tại Phàm Ngã. Nó tượng trưng cho nguồn lực nguyên thủy, điểm khởi đầu của sức mạnh tinh thần và vật chất.

- Hoa sen (Padma), Ngài giữ trong tay phải phía dưới, thể hiện sự giải thoát hay phân tán. Hoa sen tượng trưng cho quyền lực khởi đầu vũ trụ. Là sự tập trung của Chân Lý hoặc Satya, khởi đầu của quy tắc ứng xử hay Chính Pháp, và kiến thức (Gyana) trong một biểu tượng duy nhất.

Theo GS Lê Xuân Khoa[3]Thần Vishnu luôn sẵn sàng che chở và cứu giúp con người. Khi cần đến, Vishnu sẽ giáng trần để trực tiếp ra tay tế độ Bởi bản tính tốt lành và sứ mạng cao cả ấy, Vishnu được tôn thờ với tất cả tấm lòng yêu mến... Người ta đã tôn vinh Vishnu bằng những danh hiệu vô cùng tốt đẹp như: vị Thánh của các Thánh (Pavitram pavitrânâm), Đạo sư (Mârga), Chân lý (Tattva), Từ phụ (Pitâ), Thân hữu (Suhrid) và cả ngàn tên khác nữa…

Về giá trị của tượng Thần Vishnu, các nhà nghiên cứu sử học, văn học, khảo cổ học và những nhà sưu tập thường nhắc đến hai đặc điểm của thần Vishnu:

Thứ nhất, thần Vishnu là một trong ba vị tối linh nhưng cả ba vị rốt cùng chỉ là thể hiện của một Thượng đế duy nhất (Ishvara) mà ngay cả kinh Veda cũng ghi rõ: “Ekam sat vipra bahudha vadanti” nghĩa là Thượng đế được gọi bằng nhiều tên khác nhau, nhưng các tên gọi đó chỉ là tiếng vọng của Một (thực tại) mà thôi.

Thứ hai, thần Vishnu là vị thần Bảo hộ khác với thần Hủy diệt (Shiva) và thần Sáng tạo (Brahmâ), nên ngài hiện ra để phụng hiến cho hạnh phúc của kẻ khác với hàng chục hóa thân được nêu trong Bhâgavata –Purana (. . . )[4].Vì Thần Vishnu có bản tính nhân từ đối với con người, bảo vệ cuộc sống, diệt trừ loài quỷ dữ, nên khi được truyền sang các nước lân cận, như ở vùng Đông Nam Á, thì cư dân Phù Nam[5] thường thờ cúng vị Thần này.

Một cánh tay tương thần Vishnu được tìm thấy tại khu vực chùa Bốn Mặt

Trong thời gian qua, từ trước năm 1975, tượng vị Thần Vishnu đã được phát hiện khá nhiều ở các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Tây Ninh, TiềnGiang, Đồng Tháp, Trà Vinh. Đa số các  tượng đều có kích thước, thường không được nguyên vẹn.  Như tượng Thần Vishnu bằng chất liệu đồng được tìm thấy năm 1936 ở vùng Tân Hội - Rạch Giá (Kiên Giang) là tác phẩm nghệ thuật hội tụ các đặc điểm điển hình của kỹ thuật đúc đồng Đông NamÁ thuộc nền văn hóa Óc - Eo có niên đại khoảng thế kỷ 3-5. Tượng chỉ cao 23cm; rộng: 11 cm, có niên đại khoảng từ thế kỷ III đến thế kỷ thứ V. Đây là tác phẩm nổi tiếng, được nhiều nước khác nhau trên thế giới mượn của Việt Nam để giới thiệu về văn hóa Óc Eo[6].

Tại tỉnh Vĩnh Long, tượng Thần Vishnu được tìm thấy, có chất liệu bằng đá sa thạch, có niên đại khoảng thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ VII, thuộc nền văn hóa Óc Eo.Tượng được tạc ở tư thế đứng thẳng trên một bệ trơn, hình chữ nhật có chiều dài 33cm, rộng 17cm, độ dày 4cm. Tượng cao 102cm và nặng 41kg.Tượng có nghệ thuật tạo hình đẹp và quý hiếm. Một số chi tiết của tượng tạo nên nét đặc trưng riêng, không bắt gặp ở các tượng khác.

Tại tỉnh An Giang,  qua các đọt khai quật khảo cổ còn phát hiện nhiều tượng Vishnu với nhiều kìch thước khác nhau. Trong đó, có tượng Thần Vishnu được tìm thấy ở Vọng Thê có chất liệu bằng đá sa thạch, niên đại khoàng từ  thế kỷ X-XI, có kích thước cao chỉ  12,5cm.

Sau giải phóng 30/4/1975, tại tỉnh Tiền Giang,  năm 1988, tượng thần Vishnu được phát hiện trong hố khai quật ở độ sâu khoảng 0,15m tại Di chỉ khảo cổ Gò Thành, thuộc ấp Tân Thành, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Tượng tạo hình mỹ thuật sắc sảo, với tư thế đứng. Tượng có chất liệu bằng đá, cao 59cm, ngang 25cm; nặng: 10,5kg. Tượng có 4 tay. Hai tay phía trên cầm 1 vỏ ốc (tay trái) và 1 bánh xe (tay phải); hai tay bên dưới cầm 1 cây chùy dài. Tại Đồng Tháp, năm 1998, tại hố khai quật di chỉ Gò Tháp Mười cũng phát hiện 1 tượng Thần Sishnu bằng đá sa thạch, màu xám trắngdài 22cm, rộng 40cm, cao 149cm, có trọng lượng là 70kg, có niên đại khoảng thế kỷ thứ VI

Hiện nay, có khoảng 54 hiện vật và mảnh vỡ thể hiện thần Visnu đã được phát hiện ở phía Nam Việt Nam. Trong đó, có khoảng 19 hiện vật còn khá đầy đủ được phát hiện sau năm 1975.Đặc điểm chung nhất của các tượng Visnu là chiếc mũ đội hình ống (Kiritamukuta) và các biểu tượng mà vị thần này thường cầm trong tay là con ốc, bánh xe, gậy quyền, quả cầu và nụ hoa sen[7]. Đa số tượng đều có chất liệu bằng đá, chỉ có tượng ở Tân Hội - Rạch Giá (Kiên Giang)là bằng chất liệu đồng. Đa số các tượng đều có niên đại từ thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ VIII.

Với giá trị đặc biệt về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật,từ năm 2012 đến đầu năm 2020, một số tượng thần Vishnu đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia theo các quyết định từ năm 2012 đến năm 2018 như  số tượng thần Vishnu ở An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang, Đồng Tháp...

Việc phát hiện tượng Thần Vishnu tại Phú Tân (Sóc Trăng) là một sự kiện hiếm thấy, có giá trị nghiên cứu khoa học rất cao, đóng góp vào kho tàng hiện vật khảo cổ quý của vùng Đồng bằng sông Cửu Long về tượng Thần Vishnu, giúp cho quá trình nghiên cứu, làm sáng tỏ thêm về lịch sử vùng đất, sự sinh sống của cư dân từ xưa, về nghệ thuật chế tác, đời sống tôn giáo, tâm linh, tín ngưỡng.... Pho tượng có tác động nhiều mặt đến đời sống người dân trong và ngoài tỉnh, trong đó phần nhiều là mong muốn sự may mắn hạnh phúc, yên vui đến với mọi người.

Trước sự kiện này khá lâu, từ những năm 1930 đến đầuthế kỷ XXI, Sóc Trăng đã phát hiện một số đồ gốm, bệ tượng, bệ đá, tượng cổ ở chùa Mahatup (chùa Dơi) thuộc thành phố Sóc Trăng, giống một số di tích tìm thấy ở Bến Tre, Tiền Giang và An Giang, có niên đại khoảng thế kỷ thứ VII sau công nguyên. Đặc biệt hơn là tượng nữ thần Laskmi, vợ của thần Vishnu, tìm thấy ở khu vực chùa Săng ke (xã  Trường Khánh, Long Phú), tượng nữ thần duy nhất còn nguyên vẹn, có giá trịnhất trong kho tàng văn hóa Óc-Eo. Ngoài ra, còn có tượng thần Vishnu nhưng nhỏ hơn cùng 1 linga và yoni cũng ỡ trong khoảng thế kỷ thứ XII sau công nguyên.

Chắc chắn ràng, dưới lòng đất của tỉnh Sóc Trăng hiện nay, còn ẩn chứa nhiều di ttích, di vật cổ, nhưng chưa được phát hiện và khai quật của các nhà khoa học.

Những cổ vật hay những bức tượng thần này ở các chùa sẽ là điểm đến hấp dẫn cho các đoàn khách du lịch đến Sóc Trăng. Không những vậy, du khách còn có dịp chiêm ngưỡng những nét đẹp tinh xảo về kiến trúc của đình, chùa 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa trong tỉnh, mà còn có dịp tham gia các lễ hội văn hóa hoành tráng, các tua du lịch về với cộng đồng dân cư hay trải nghiệm sinh thái vùng sông nước miệt vườn cù lao và biển cả cùng những cánh rừng ngập mặn với hệ động, thực vật phong phú, đa dạng và các dịch vụ du lịhc mới lạ khác./.

                                                                   Trịnh Công Lý

 

[1]ThầnShiva đem lại chết chóc nhưng vị Tthần này cũng chinh phục cái chết cùng bệnh tật, nên thường được cầu khấn mỗi khi chữa bệnh của con người

[2]Khoa Đông Phương học, Trường Đại học Khoa học xạ hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh

[3]Lê Xuân Khoa là một nhà giáo. Ông bắt nghề dạy học ở Hà Nội năm 1950. Từ năm 1953, ông dạy tại trường trung học Petrus Ký, Sài Gòn. Sau khi học về Triết Học tại Ðại Học Sorbonne, ông giảng dạy Triết học Upanishad tại Ðại học Văn Khoa Sài Gòn và Văn Minh Việt Nam tại Ðại Học Ðà Lạt, Minh Ðức và Vạn Hạnh. Ở Hoa Kỳ, ông cũng từng là giáo sư thỉnh giảng tại trường Cao học về Nghiên cứu Quốc tế (SAIS) thuộc Ðại học Johns Hopkins ở Washington, D.C. Sau đó, ông được nhận làm học giả ngoại trú của Học viện về Chính Sách Quốc tế (FPI) cũng thuộc Ðại học Johns Hopkins

[4]Theo Giao Hưởng, bài viết đăng trên báo Thanh niên ngày 5/12/2011 , nhan đềTượng thần Vishnu và các hóa thân.

[5]Phù Nam là một vương quốc cổ,hình thành và phát triển từ thế kỷ I đến thế kỷ VI-VII sau công nguyện

[6]Tượng được đưa đi trưng bày tại Hàn Quốc năm 2010 với giá bảo hiểm 500.000 USD. Trước đó, tượng được trưng bày ở Singapore (2008) với bài giới thiệu của GS Pierre Yves Manguin và ở Mỹ (2009) với bài của TS Nancy Tinley. Một số tạp chí chuyên ngành xuất bản trong nước cũng đã đề cập đến giá trị của tượng Vishnu này, chẳng hạn tài liệu trên tạp chí Khảo cổ học ấn hành năm 1994.

[7]Xem bai viết Tượng thần Visnu trong văn hóa Óc Eo, do Lê Khiêm tổng hợp trên Web Bảo tàng lịch sử quốc gia

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu