TỪNG BƯỚC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH

22/11/2021 838 0
STO - Với việc tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động du lịch của tỉnh Sóc Trăng đã có những khởi sắc tích cực. Những năm gần đây, chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng lên, lượng khách và doanh thu từ du lịch tăng cao và ổn định. Qua đó, góp phần tạo động lực để du lịch của tỉnh tiếp tục phát triển và trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

      Sóc Trăng là tỉnh thuộc vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long, với 50km chiều dài sông Hậu và 72km bờ biển. Bên cạnh lợi thế về phát triển nông, lâm, thủy sản, Sóc Trăng còn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch với các loại hình du lịch đặc trưng, như du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, văn hóa lễ hội, lịch sử. Chính vì vậy, những năm qua, tỉnh đã đặc biệt quan tâm nhằm phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, phấn đấu đưa du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế quan trọng.

Nhiều điểm du lịch tâm linh thu hút du khách đến tham quan (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: NGỌC HẢI

      Ngày 2-8-2016, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về “Phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”, xác định, du lịch là một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; phát triển du lịch gắn với quảng bá hình ảnh địa phương, văn hóa và con người Sóc Trăng, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; phát triển du lịch gắn liền với xây dựng nông thôn mới và tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với khu, điểm du lịch, phát triển đồng bộ các dịch vụ phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước. Trên cơ sở đó, nghị quyết của Tỉnh ủy nêu rõ 3 định hướng, gồm phát triển du lịch tâm linh, văn hóa lễ lội, lịch sử tại các điểm chùa, các điểm di tích cấp quốc gia… và nâng cao tầm vóc của các sự kiện lễ hội độc đáo của ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa; phát triển du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn trên hệ thống cù lao dọc sông Hậu và huyện Cù Lao Dung, kết hợp các vườn cây ăn trái của huyện Kế Sách; phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn khu vực huyện Trần Đề và TX. Vĩnh Châu, kết hợp với phát triển điện gió… Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 là du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, mang tính chuyên nghiệp, thân thiện với môi trường; cơ sở vật chất phục vụ du lịch được đầu tư đồng bộ; sản phẩm du lịch đa dạng, có thương hiệu, mang tính đặc thù, có sức cạnh tranh; thu hút ngày càng nhiều khách du lịch và Sóc Trăng là một trong những điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước. Để đạt mục tiêu này, nghị quyết của Tỉnh ủy yêu cầu thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp gồm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch; tiếp tục phát huy và khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch; đầu tư phát triển cơ sở vật chất và xây dựng sản phẩm du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch và tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch.

      Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển du lịch theo Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy, cùng với công tác tuyên truyền, các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương đã chủ động xây dựng các đề án, dự án, kế hoạch phát triển du lịch tại địa phương, đơn vị và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đặc biệt, HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết về hỗ trợ phát triển du lịch, đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận và tham gia các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch.

      Tỉnh Sóc Trăng hiện có 8 di tích lịch sử cấp quốc gia và 39 di tích cấp tỉnh, với nhiều lễ hội độc đáo và nhiều món ăn đặc sản của 3 dân tộc. Những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan đầu tư nâng cấp hạ tầng du lịch và khai thác, nâng cao tầm vóc các sự kiện, lễ hội độc đáo của 3 dân tộc, kêu gọi đầu tư dự án du lịch tại các địa phương. Qua đó, nhiều điểm du lịch tâm linh tiêu biểu đã được nâng cấp, mở rộng, nâng chất về cảnh quan và chất lượng các dịch vụ, như chùa Mahatup, chùa Sro Lôn, chùa Kh’leang…; nhiều dự án, hạng mục công trình được xây dựng mới như: Khu Văn hóa tín ngưỡng tỉnh Sóc Trăng (Thiền viện Trúc Lâm), công trình ngôi Sala và tượng Phật nằm tại chùa Som Rông... thu hút ngày càng đông du khách đến chiêm bái, tham quan. Các lễ hội truyền thống của tỉnh cũng được nâng cấp và đi vào nền nếp, đảm bảo phát huy truyền thống văn hóa của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa… Cùng với đó, loại hình du lịch cộng đồng với cảnh quan sinh thái đậm chất đồng quê cũng đã hình thành và từng bước phát triển. Ngoài ra, Sóc Trăng còn có 6 di sản văn hóa phi vật thể là những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách khi đến tham quan, du lịch.

      Bên cạnh tiềm năng từ các loại hình du lịch, các sở, ngành tỉnh đã thực hiện các đề án, dự án nhằm bảo vệ và phát triển các nguồn tài nguyên sẵn có, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư và lồng ghép triển khai chương trình, các mô hình sản xuất trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, như các dự án bảo tồn loài sinh cảnh rừng tràm Mỹ Phước, thành lập khu dự trữ thiên nhiên rừng ngập mặn Cù Lao Dung… Để phát triển du lịch, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã bố trí ngân sách nhà nước đầu tư nâng cấp, sửa chữa đường vào điểm du lịch và hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ nâng cấp các điểm tham quan với tổng kinh phí gần 566 tỉ đồng; dành 1.925 tỉ đồng đầu tư và nâng cấp nhiều tuyến đường giao thông quan trọng… Ngoài ra, từ việc chú trọng “xã hội hóa” trong phát triển du lịch, đến nay đã có trên 10 dự án du lịch, hạng mục công trình được triển khai, trong đó một số dự án mang lại hiệu quả tích cực (tiêu biểu như dự án tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo), tạo động lực cho phát triển nhiều loại hình và sản phẩm du lịch mới của tỉnh.

      Từ những nỗ lực thực hiện hiệu quả công tác du lịch theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TU, đến nay tỉnh đã công nhận 4 điểm du lịch cấp tỉnh, đạt 57% chỉ tiêu nghị quyết. Trong 4 năm từ 2016 - 2019, có gần 7,4 triệu lượt khách du lịch đến Sóc Trăng và doanh thu du lịch đạt 2.795 tỉ đồng, vượt chỉ tiêu nghị quyết. Hiện nay, có 43 công ty lữ hành trong nước đã đưa khách du lịch Sóc Trăng theo các tour chính.

      Có thể nói rằng, với việc quán triệt sâu sắc và tập trung nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp của các cấp, các ngành theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy, hoạt động du lịch của tỉnh Sóc Trăng trong những năm gần đây đã có những khởi sắc tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy còn đó những hạn chế cần tiếp tục khắc phục, cũng như hoạt động du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 trong thời gian gần đây, song kết quả bước đầu đạt được là cơ sở và động lực cần thiết để du lịch của tỉnh tiếp tục phát triển và trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.

QUỲNH LAM

(Nguồn: https://www.baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/tung-buoc-nang-cao-chat-luong-hoat-dong-du-lich-52775.html)

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu