GẠO VÀ SẢN PHẨM LÀM TỪ GẠO SÓC TRĂNG – NHỮNG MÓN QUÀ TẶNG DU LỊCH ĐỘC ĐÁO VÌ SỨC KHỎE

04/03/2021 809 0

“Trời cao đất rộng thênh thang,

Tiếng hò giọng hát ngân vang trên đồng,

Cá tươi gạo trắng nước trong,

Hai mùa lúa chín thơm nồng tình quê”

 

Trong số hơn 100 nước trên thế giới sản xuất lúa thì Châu Á là vùng sản xuất lúa gạo chủ yếu chiếm 90% về sản lượng cũng như về diện tích. Là nơi có nền nông nghiệp cổ xưa nhất gắn với canh tác lúa nước. Lúa gạo cung cấp lương thực chính cho 65% dân số thế giới, và tại Việt Nam 100% dân số sử dụng lúa gạo làm lương thực chính.

Một góc trên cánh đồng lúa

 

Là một sản phẩm lương thực thu từ cây lúa, Hạt gạo thường có màu trắng, nâu hoặc đỏ thẫm, chứa nhiều dinh dưỡng. Hạt gạo chính là nhân của lúa (thóc) sau khi xay để tách bỏ vỏ trấu. Hạt gạo sau khi xay được gọi là gạo lứt hay gạo lật, nếu tiếp tục xát để tách cám thì gọi là gạo xát hay gạo trắng.

Từ ngàn xưa đến nay, gạo là một trong năm loại ngũ cốc và được sử dụng chủ yếu làm lương thực nhưng thời gian gần đây, đặc biệt là sau thi thực hiện Chương trình Chương trình mỗi xã một sản phẩm, vị trí của hạt gạo nói chung và gạo Sóc Trăng nói riêng đã được nâng lên một tầm cao mới.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây được coi là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Từ lâu, Sóc Trăng đã nổi tiếng khắp Nam Kỳ Lục tỉnh với một trong những thương cảng lớn ở Nam kỳ từ giữa thế kỷ XVIII, với nhiều giống gạo ngon nổi tiếng đã đi vào thơ ca.

“Gạo thơm ngon dẻo tiếng đồn bao phen

Xuồng lên chợ lớn bạn quen

Tiếng thơm Ba Thắc ngợi khen Nam Kỳ”

Hiện nay, Sóc Trăng hiện có tổng cộng 99 sản phẩm OCOP, đạt chuẩn từ 1 đến 4 sao. Trong đó có 04 loại gạo gồm Gạo thơm ST24 (4 sao), Gạo Tài nguyên Phú Khang (4 sao), Gạo Sữa (3 sao) và Gạo hữu cơ nông trường cá bờ đập (3 sao) đã được khẳng định thương hiệu và chất lượng, ngoài ra, Sóc Trăng hiện còn một số sản phẩm gạo và từ gạo tiềm năng, hứa hẹn là món quà ý nghĩa cho du khách khi đến với Sóc Trăng, góp phần làm phong phú thêm danh sách quà tặng, phục vụ ăn, uống của du khách, và cũng là sản phẩm thương mại du lịch của địa phương..

Gạo ST25

Gạo ST25 là loại gạo đặc sản ở Sóc Trăng, được người tiêu dùng rất ưa chuộng.  Gạo ST25 của Việt Nam không chỉ được trao giải ngon nhất thế giới sau khi vượt qua các loại gạo của Thái Lan, Campuchia tại cuộc thi World's Best Rice, do The Rice Trader tổ chức tại Manila, Philippines mà còn là loại gạo thuộc dòng lúa thơm ST gồm nhiều giống khác nhau do kỹ sư Hồ Quang Cua (DNTN Hồ Quang Trí, Sóc Trăng) lai tạo và cải tiến trong hơn 20 năm qua.

ST25 là loại gạo thuộc nhóm hảo hạng trong thị trường gạo hiện nay. Gạo hạt dài, trong, không bạc bụng. Cơm khi nấu dẻo, thơm, hương vị ngọt dẻo đặc biệt rất thu hút. Gạo thuộc loại dẻo thơm nên nấu ít nước, cơm vẫn dẻo dù không xới khi nấu.

Đặc biệt, loại gạo này có hàm lượng đạm cao nên phù hợp với người mắc bệnh đái tháo đường, cả người già và trẻ em. Đây cũng là loại đặc sản nổi tiếng ở Sóc Trăng, sánh ngang với loại gạo Nàng thơm chợ Đào, được người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Gạo sữa

Gạo sữa An Cư là một loại gạo thơm cao cấp, hạt gạo có màu trắng đục như sữa, được chế biến từ giống lúa OM4900. Gạo khi nấu chín hạt cơm căng tròn, có hương vị thơm ngon, dẻo, mềm. Phù hợp cho người tiêu dùng thích ăn cơm mềm dẻo, người lớn tuổi, phụ nữ sau sinh và trẻ em tập ăn ...

Ông Trần Văn Cư bên sản phẩm Gạo sữa

 

Theo kết quả phân tích, sản phẩm gạo sữa An Cư không chứa chất độc hại, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, người tiêu dùng có thể an tâm dùng cho bữa cơm hằng ngày của gia đình mình.

Bột gạo lứt và Trà gạo lứt Nàng Son

Gạo lứt là một loại thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt đã trở nên phổ biến do có giá trị dinh dưỡng cao và có nhiều tác dụng đối với sức khỏe nhất là đối với người mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, người ăn kiêng. Với kinh nghiệm canh tác lúa đã nhiều năm, ông Võ Văn Kháng là người đầu tiên ở huyện Mỹ xuyên, tỉnh Sóc Trăng đã nghiên cứu tạo nên cách làm khác biệt, thay vì sản xuất gạo thô thông thường thì ông lại nghĩ ra phương pháp chế biến gạo lứt thành các thực phẩm bổ sung.

Với hướng đi mới này, giúp người nông dân thu lại kết quả bất ngờ chỉ sao 3 năm khởi nghiệp. Gạo lứt của ông Kháng được chọn lọc từ hai giống Jasmine và huyết rồng của Thái Lan. Lúa sau khi đem xay xát sẽ được rang ở nhiệt độ 770 độ C liên tục từ 90’ cho đến hai tiếng. Do sản phẩm chú trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, nhất là đối tượng người lớn tuổi, người bị tiểu đường, béo phì nên làm hoàn toàn 100% từ gạo lứt, hàm lượng đường chỉ 0,05 mlg.

Gạo sau khi rang xong, để nguội sẽ cho vào máy xay, mỗi ký gạo lứt được xay mịn trong vòng 3 phút, cứ 3 ký gạo lứt thô sẽ cho ra 1 ký bột gạo lứt thành phẩm. Sau khi xay xong sẽ được kiểm tra lần nữa để đảm bảo sản phẩm đúng tiêu chuẩn về hàm lượng đường. Sản phẩm trà và bột gạo lứt sử dụng được cho tất cả mọi người, mọi lứa tuổi. Mỗi năm doanh nghiệp cung ứng khoảng 200 tấn trà và bột gạo lứt Nàng Son ra thị trường ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam.

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã trở thành cơ hội để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sản phẩm tiêu biểu của địa phương, giúp người dân và doanh nghiệp tham gia các chuỗi sản xuất, nâng tầm sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Nhất là trong thời đại hiện nay, khi mà Gạo sạch đang là vấn đề thời sự được quan tâm hàng đầu đối với toàn xã hội. Đặc biệt hơn, khi Việt Nam là đất nước nông nghiệp với lượng xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới trong khi chính người dân Việt Nam lại lo lắng với chất lượng gạo ăn hàng ngày có thực sự đảm bảo sạch? Và việc lựa chọn gạo và những sản phẩm làm từ gạo của Sóc Trăng chính là lựa chọn đúng đắn cho gia đình và người thân của chúng ta./.

                                     An Nhiên

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu