CHIẾC GHE NGO TRUYỀN THỐNG TRONG LỄ HỘI OOC – OM – BOC

25/10/2021 1082 0

       Đối với đồng bào dân tộc Khmer, Lễ hội Ooc – om – boc là một lễ hội quan trọng luôn có nhiều hoạt động sôi nổi và náo nhiệt nhất, thu hút rất đông du khách tham dự như thả đèn nước, lễ Cúng Trăng, thi đấu các môn thể thao truyền thống và đặc biệt là đua ghe Ngo. Chiếc ghe Ngo (Tuk Ngo) từ lâu đã trở thành một tài sản chung cho cả phum sóc của đồng bào dân tộc Khmer và được bảo quản chu đáo tại chùa.

Du khách xem đua ghe 02 bên bờ sông Maspero

    Ghe Ngo ban đầu là một loại thuyền độc mộc được làm bằng cây sao - một loại cây vừa rắn chắc vừa dẻo dai. Sau này, ghe được cải tiến thêm nối thêm đầu và đuôi cong lên thành ghe Ngo.

     Hình dáng của ghe Ngo tựa như con rắn mình thon thon dài về hai phía, đầu uốn cong và hơi thấp hơn đằng sau lái một chút. Mỗi chiếc ghe có chiều dài khoảng 22-27m và hẹp dần ra sau lái và trước mũi. Ghe Ngo có nhiều khoang, trên mỗi khoang đóng nhiều thanh cây ngang dài 1-1,2m vừa đủ cho 2 người ngồi bơi thoải mái theo từng cặp song song suốt chiều dài và có sức chứa khoảng 50-60 người. Ghe Ngo có dầm riêng, làm theo nhiều kích cỡ tùy theo từng vị trí người bơi, cây dầm sau lái và trước mũi sẽ dài hơn các cây khác có tác dụng kềm lái và móc mũi. Đặc biệt, trong lườn ghe người ta đặt một cây dài từ đầu đến cuối thân ghe gọi là cây cần câu (tiếng Khmer gọi là Đon Sanh-Tuôch) nhằm giữ thăng bằng và làm cho ghe vọt lên khi bơi.

Đưa ghe đến điểm xuất phát

     Mặt Ngoài thân ghe được sơn bằng nhiều màu sắc sặc sỡ và hai bên be trạm trổ hoặc vẽ vẩy rồng, rắn theo mô tiếp rắn thần Nagar. Đầu ghe vẽ hình con thú như con chim công, rồng, rắn, cọp,.... uốn lượn, lao về phía trước, như sẵn sàng lướt sóng vừa tượng trưng cho vẻ đẹp đồng thời biểu hiện cho sức mạnh của mỗi ghe.

     Hàng năm, đến ngày lễ hội thì các vị sư trong chùa cùng Ban Quản trị chùa và người dân tổ chức lễ hạ thủy rất long trọng. Chiếc ghe Ngo cũng được sơn phết lại trang trí thêm cờ, cắm nhang, phía trước mũi ghe đặt cây lộng sặc sỡ che một tượng Phật uy nghiêm. Về Sóc Trăng, ta sẽ bắt gặp hình ảnh chiếc ghe Ngo luôn được xem là một trong những biểu tượng văn hóa, thể thao gắn liền với những ngôi chùa Khmer cổ kính.

Tranh về đích

     Đua ghe Ngo ngày nay không còn là môn thể thao riêng của nam giới mà nữ giới cũng được tham gia cuộc thi, thể hiện sự bình đẳng nam nữ trong tham gia các bộ môn thể thao truyền thống dân tộc Khmer./.

Tân Trang

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu