SÂN KHẤU RÔ BĂM CỦA NGƯỜI KHMER ĐBSCL

25/10/2021 1155 0

      Rôbăm là hình thức sân khấu cổ nhất mà người Khmer ở  Đồng bằng sông Cửu Long còn bảo lưu được. Nó còn có tên gọi là “hát rằm” hay “hát Riêm Kê”, nhưng tên gọi đầy đủ nhất là “Rôbăm” (múa hát Rôbăm). Nhiều người gọi sân khấu Rôbăm là sân khấu “kịch múa”, sử dụng múa như một ngôn ngữ chính yếu, các điệu múa trong Rô băm rất sinh động, mềm mại, có 12 động tác múa. Điệu “Txu Txai” là điệu kết hợp của 12 động tác này. Mỗi thay đổi tình cảm là mỗi thay đổi động tác, bộ điệu, và mỗi nhân vật thể hiện tình cảm qua động tác và điệu bộ cũng khác nhau. Căn cứ vào những nguyên tắc thẩm mỹ, cấu trúc kịch bản, ngôn ngữ hình thể, lối diễn của kịch hát này, chúng ta có thể phỏng đoán rằng Rô băm xuất phát từ một sân khấu kịch hát cổ điển xuất phát từ cung đình.

 

Mô hình Sân khấu Rô băm

      Rôbăm thường diễn những tích cổ như vở Riêm kê, trích từ anh hùng ca Ấn Độ Ramayana và các vở diễn khác như Preah Chinh Na Vông, Ra Ta Na Vông,... Nếu sử dụng các tích khác thì cũng là truyện cổ, thần thoại, nội dung nhuộm màu Phật giáo, với đạo lý giáo dục con người “ở hiền gặp lành, kẻ làm ác thì phải đền tội”. Vở diễn Rôbăm được cấu trúc theo hai tuyến nhân vật tiêu biểu cho hai loại người trong xã hội: chính diện và phản diện là đại diện hai phái thiện –ác. Vai chính diện thường là vua, hoàng tử, hoàng hậu trong xiêm y theo kiểu dân tộc, có trang trí và màu sắc lộng lẫy,... Theo cấu trúc của tuồng Rôbăm, chằn (Yaks) tiêu biểu cho phái ác, mang mặc nạ, tay cằm gậy, mồm rộng, nhe răng, mắt trợn, mũi to nhưng cuối cùng phải đền tội. Đặc biệt, trong nghệ thuật Rôbăm còn có sự tham gia các thú vật (đều mang mặc nạ và đội lốt). Vai hề tuy đóng vai trò phụ trong các vở diễn nhưng lại làm những việc quan trọng như “cứu khốn phù nguy” cho vai chính diện, gây cười, gia tăng vui nhộn,làm cho hình thức sân khấu Rôbăm gần gũi giới bình dân, tăng thêm sự hấp dẫn và bớt đi tính chất khô cứng của kịch hát cổ điển này. 

     Hiện nay, Rô băm ở Đồng bằng sông  Cửu Long không được phát triển như cách đây nữa thế kỷ. Theo thống kê, tỉnh Trà Vinh và tỉnh Sóc Trăng là hai tỉnh có người Khmer cư trú nhiều nhất, thì thời kỳ thịnh trị của môn nghệ thuật này là vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Lúc cao điểm có trên trăm đoàn hát Rô băm, hầu như mỗi chùa đều có một đoàn. Nhưng hiện nay, tỉnh Sóc Trăng chỉ còn một đoàn Bưng Chông, thuộc ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Trần Đề còn hoạt động và tỉnh Trà Vinh còn vài đoàn ở các xã Tập Sơn, Hàm Giang, Đông Châu,... Tuy nhiên, phạm vi hoạt động các đoàn ngày càng bị thu hẹp.

     Nghệ thuật sân khấu Rô băm có giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer, chúng tôi hi vọng rằng sẽ có phương hướng phát triển để có thể đứng vững và ngày càng vươn xa hơn./.

KP

Related Post

Sample Plan