NHẠC NGŨ ÂM TRONG CÁC LỄ HỘI CỦA ĐỒNG BÀO KHMER

22/11/2021 1359 0
STO - Phleang-pinh-peat (nhạc ngũ âm) là một trong những loại hình âm nhạc hòa tấu không thể thiếu trong lễ hội và nghi lễ tôn giáo của đồng bào Khmer, như: Oóc om bóc - Đua ghe ngo truyền thống, Tết Chôl Chnăm Thmây, Sene Đôn Ta, Kathina (Dâng y), lễ cầu an… Âm vang trong lễ hội

      Vào các dịp lễ hội của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng, chúng ta thường bắt gặp đội nhạc ngũ âm tấu diễn để phục vụ bà con và du khách đến tham quan. Hiện nay, nhiều ngôi chùa Khmer ở Sóc Trăng vẫn lưu giữ và sinh hoạt thường xuyên với hàng chục đội nhạc ngũ âm. Trong dàn ngũ âm, nhạc cụ chính là chiếc Rô-neat-ek với tiếng âm thanh giòn và luôn đóng vai trò giữ, bắt giai điệu chính. Nhạc ngũ âm đã trở thành một nét văn hóa gắn bó mật thiết và in dấu sâu đậm trong tâm thức và đời sống sinh hoạt của mỗi người Khmer suốt đời.

Các đội ngũ âm tham gia tấu nhạc phục vụ tại Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo truyền thống tỉnh (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: THẠCH PÍCH

      Ông Trần Sà Rinh năm nay ngoài 70 tuổi cũng là một trong những nhạc công kỳ cựu của đội nhạc ngũ âm chùa Serey Kandal, phường Vĩnh Phước, TX. Vĩnh Châu (Sóc Trăng) tâm đắc: “Những âm thanh và giai điệu mang tính ký hiệu vừa thiêng liêng vừa rất quen thuộc, thân thiết và giàu cảm xúc đối với từng cá nhân và cả cộng đồng trong suốt cuộc đời của họ. Khi nghe tiếng trống cùng với tiếng nhạc ngũ âm vang lên tại các ngôi chùa Khmer thì người dân trong thôn xóm biết được đã đến ngày tổ chức các nghi lễ tôn giáo. Còn tiếng trống lễ tang vang lên ba hồi cùng tiếng nhạc Pinh-peat réo rắt sẽ là lời thông báo cho sự qua đời của ai đó trong cộng đồng. Thông qua âm nhạc này, mọi người được cùng hòa quyện tâm hồn mình và tạo ra sự kết nối cộng đồng với nhau một cách tự nhiên, nhẹ nhàng nhưng lại hết sức bền chặt, sâu đậm”. 

      Giữ gìn và “truyền lửa”

      Là một nhạc công của Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh và có nhiều kinh nghiệm, anh Lâm Minh Cường chia sẻ: “Tôi đã hướng dẫn nhiều lớp đào tạo nhạc ngũ âm cho con em tại các chùa Nam tông Khmer, có độ tuổi từ 8 - 20 tuổi. Điều đáng mừng là tinh thần tập luyện của các em lúc nào cũng hăng say và tiếp thu bài bản cũng nhanh. Trong quá trình hướng dẫn, tôi thường cho các em học từ những bài cơ bản đến nâng cao và phân biệt những bài phục vụ trong các dịp lễ khác nhau”.

      Khi chúng tôi tò mò về cái tên của từng loại nhạc cụ, anh Minh Cường giới thiệu: “Nhạc ngũ âm truyền thống của người Khmer được hợp thành bởi 5 bộ nhạc cụ được làm từ 5 loại chất liệu khác nhau tạo nên 5 âm sắc riêng biệt như: bộ đồng, bộ sắt, bộ mộc, bộ hơi và bộ da. Mỗi bộ sẽ có một, hai hoặc ba loại nhạc cụ tham gia tạo nên biên chế hoàn chỉnh của dàn nhạc ngũ âm truyền thống, gồm 9 loại: Kèn Sro-lay (bộ hơi), Rô-neat-ek, Rô-neat-thung (bộ mộc), Rô-neat-đek (bộ sắt), Kuông-vông-tuôch, Kuông-vông -thum, Chhưng (bộ đồng), trống Sam-phô, trống Skô-thum (bộ da)”.

      Theo số liệu thống kê sau quá trình nghiên cứu, nếu như trước kia người Khmer có khoảng 230 bài bản âm nhạc cổ truyền dành cho các nghi lễ tôn giáo, thì hiện nay, ở Sóc Trăng chỉ còn lưu truyền và sử dụng phổ biến khoảng hơn 20 bài bản, trật tự sắp xếp các bài bản trong mỗi nghi lễ của dàn nhạc ngũ âm đôi khi không đúng theo các quy định cổ truyền trước đây và không thống nhất giữa các dàn nhạc.

      Ông Sơn Thanh Liêm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: “Cuối năm 2019, nghệ thuật trình diễn dân gian “Nhạc ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng” đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức định kỳ Liên hoan nhạc ngũ âm và múa dân gian Khmer với sự tham gia của nhạc công đến từ 11 đơn vị huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Tăng cường giới thiệu hình ảnh và giá trị của loại hình nghệ thuật trình diễn nhạc ngũ âm đến với cộng đồng và xã hội thông qua chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật, các phương tiện truyền thông, các cuộc liên hoan văn hóa nghệ thuật dân tộc… nhân dịp tổ chức Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo tỉnh Sóc Trăng hàng năm”.

THẠCH PÍCH

(Nguồn: https://www.baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/nhac-ngu-am-trong-cac-le-hoi-cua-dong-bao-khmer-52870.html)

Related Post

Sample Plan