NGHỆ THUẬT SÂN KHẤU VÀ CÁC ĐIỆU MÚA CỦA NGƯỜI KHMER NAM BỘ

25/10/2021 1269 0

      Người Khmer ở Nam bộ vốn có nền văn hóa nghệ thuật rất độc đáo, đa dạng đã phát triển khá lâu đời, trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống xã hội của bà con dân tộc và luôn được bảo tồn, phát huy. Đáng kể nhất là loại hình văn hóa phi vật thể như nghệ thuật sân khấu rô băm, dù kê và các loại hình múa dân gian như rom vong, rom kbách, sarawan, sa dăm.... Loại hình kịch múa rô băm thường gọi là “yeak rom” ra đời cách nay hàng trăm năm được xem là di sản độc đáo của người Khmer Nam bộ. Bên cạnh đó, sân khấu ca kịch dù kê cũng là một sản phẩm của người dân nơi đây sáng tạo ra từ những năm 1920. Ngay từ khi ra đời, dù kê đã được công chúng khán giả dân tộc Khmer vùng Nam bộ đón nhận rầm rộ, không những trong khu vực mà ngay đất nước chùa Tháp cũng rất ngưỡng mộ, tiếp nhận thành một loại hình nghệ thuật sân khấu của xứ sở này trong suốt cả một thế kỷ qua với tên gọi là Lakhone Ba Sắc (nghệ thuật vùng Ba Sắc) cho đến tận bây giờ.

     Về nội dung tuồng tích, nếu như sân khấu rô băm thường biểu diễn các kịch bản về trường ca Ream kê, Sângsalachi, Preleakchinavong, Tứp sangva... được biên soạn sẵn trong lá buông (satra slâc rith) thì dù kê  thường thể hiện các kịch bản dân gian như Chao Sanh, chao Thung (Thạch Sanh Lý Thông), chao sro tôp chêc (Trần Minh khố chuối), nàng Sê Đa... về lối biểu diễn của sân khấu rô băm bắt buộc phải theo một nguyên tắc nhất định như hình thể uốn cong, vừa múa vừa hát và các nhân vật phụ như chằn (Yeak), các con thú như chim đại bàng, ngựa, khỉ, rồng... phải đeo mặt nạ. Trước khi diễn vở tuồng, các đoàn rô băm phải khai diễn thường là điệu hum rôn (gồm 4 nam, 4 nữ) và múa tính cách Chằn (yeak rom gồm 1 hoặc nhiều chằn tùy vào vở tuồng)... đây được xem là màn múa bắt buộc để cúng tổ hoặc cổ vũ tinh thần cho diễn viên, đồng thời thu hút khán giả bằng những động tác múa uyển chuyển, dịu dàng của các diễn viên với trang phục sặc sỡ đẹp như nàng tiên giáng trần. Ngoài ra, còn có nhân vật chằn tinh bạo chúa, tay cầm gậy, nhe răng nanh dữ dằn, bước đi oai vệ trong âm thanh sôi động của tiếng kèn salayrom và nhịp trống giục giã.

      Xưa kia, cứ sau vụ thu hoạch mùa màn thắng lợi cũng là lúc diễn ra các hoạt động lễ hội xôm tụ ở khắp cộng đồng phum sóc. Để tạo sinh khí vui tươi, phấn khởi, thu hút mọi người tham gia, chủ lễ thường tổ chức các chương trình văn nghệ sôi động. Đây là dịp các nghệ sĩ rô băm khăn gói lên đường phục vụ bà con phum sóc trong các bone com sane sroc (lễ cầu an), bone phnôm pon (lễ ngàn núi), tết Chnămthmây... Theo quan niệm trước đây, người ta xem âm nhạc và múa là cầu nối giữa âm và dương, là sự thể hiện lòng tri ân đối với các siêu nhiên thánh thượng đã ban sự sống cũng như thành quả trong lao động nuôi sống con người. Vì vậy, không có điều gì lạ nếu như mỗi phum sóc đã thành lập hoặc thuê đội rô băm biểu diễn để cúng các thánh thần thiên địa.

      Còn sân khấu dù kê với tính ước lệ nghệ thuật khá chuyên nghiệp bởi có sự giao thoa với nghệ thuật sân khấu Hý kịch của Trung Quốc và cải lương của người Kinh, nên lối diễn Xuất và tuồng tích rất thu hút. Ngoài tuồng tích kinh điển, nội dung tuồng dù kê còn phản ánh kịp thời những sự kiện và hơi thở của cuộc sống diễn ra trong xã hội đương đại như: Vở tuồng Chao Sanh, chao Thung (Thạch Sanh, Lý Thông), Chao sro tôp chêc (Trần Minh khố chuối), Môranasmeatđa (Tấm Cám)... Năm 1920, dù kê của Sroc Pô (Sóc Vồ) do ông xã Cạnh làm trưởng đoàn đã du hành đến đất nước Đế thiên Đế thích (Campuchia) để biểu diễn doanh thu. Nhân dịp này, tại đây có tổ chức hội chợ trước Hoàng cung, đoàn được mời phục vụ vua Mônivong và các quan trong cung. Khi xem xong, nhà vua rất thích và ban thưởng cho đoàn nhiều hiện vật cao quý như huy chương vàng, tiền mặt, một chiếc xe hiệu Landrevaiz. Từ đó, dù kê đã chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong sân khấu nghệ thuật tại đất nước chùa Tháp, đươc công chúng khán giả rất ưa thích và đã cắm rễ tại đây cho đến ngày nay.

      Ngoài sân khấu rô băm và dù kê thì nghệ thuật múa cũng khá phát triển, đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao đời sống tinh thần và phục vụ nhu cầu giải trí của người dân Khmer khắp nơi; Người ta có thể múa tại nhà, trên sân chùa, ngoài đồng ruộng... chỉ cần có tiếng hát, tiếng vỗ tay cổ động hoặc thau nhôm, thùng mũ làm trống là một buổi sinh hoạt văn nghệ bắt đầu và tất cả mọi người đều tham gia tạo nên sinh khí vui nhộn. Cứ nhịp 2/4 cho điệu múa rom vong, nhịp ¾ cho điệu múa sarawan và 6/8 cho điệu múa rom kbách. Khi nhịp trống và giọng hát say sưa vang lên theo điệu rom vong, thì từng người một hoặc từng đôi trai gái bước đều 3 bước và lui một bước, hai tay nâng lên để trước ngực, các ngón tay thẳng đứng và cong lên như những đóa cánh tươi, cứ một tay đưa lên, tay kia đưa xuống nhịp nhàng theo tiếng nhạc. Còn múa sarawan với nhịp trống sôi động, hai chân bước đều, hai tay xòe ra để trước bụng rồi dang ra hai bên, các tay nẩy lên nhịp nhàng, sàn ra sàn vô trước bụng trong khi đôi chân cứ bước đều tại chỗ. Riêng điệu rom kbách với tiết tấu chậm, giống như múa cổ điển, chân bước qua một bên thật chậm, chân kia cũng bước theo, trong khi tay phải đưa lên một bên ngang chân mày, tay kia phải để ngang mông, khi đôi chân bước lên thì hai tay cũng thay đổi vị trí.

      Cứ đến mùa lễ hội, các phum sóc Khmer tung tăng điệu múa sa dăm rộn ràng. Ngoài các tay đánh trống, còn có cô thiếu nữ xinh đẹp trong bộ cánh chốc kbâne sặc sỡ tham gia, trên tay cô gái còn cầm nhạc cụ chập chõe làm duyên cùng với ông địa bụng to và các chú khỉ liếng thoắng pha trò vui nhộn trong lúc diễu hành. Sa dăm đã ra đời cách đây từ lâu, nếu như trước đây người ta chỉ đánh trống bằng tay, thì ngày nay người ta còn dùng cùi chõ, cẳng chân đánh trống với màn nhào lộn rất hấp dẫn người xem.

      Trong xu hướng hiện nay, người ta quay về với cội nguồn, nhiều loại hình văn nghệ dân gian đã được công nhận di sản văn hóa của thế giới như Cồng chiêng (Tây Nguyên), Hát Quan họ (Bắc Ninh), múa Hoa Đăng (cung đình Huế), Hát Xoan, ca trù... Rô băm, dù kê và múa sa dăm cũng rất xứng đáng là kiệt tác của thế giới bởi vì các loại hình này đã tồn tại khá lâu và vẫn được nhiều người ưa thích. Trước mắt, để tránh mai một, ngành văn hóa, thể thao, du lịch đã đưa các loại hình nghệ thuật này trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương. Đặc biệt, năm 2007 sân khấu rô băm đã đến thu đô Washington trình làng với công chúng khán giả Hợp chủng quốc Hoa kỳ trong dịp lễ hội Smithsonian, được đón chào nồng nhiệt. Năm 2009, múa xa dăm là một trong những tiết mục được chọn là “Sứ giả văn hóa” của đất nước Việt Nam đến với xứ sở cối xay gió Hà Lan trong liên hoan lễ hội đường phố. Đây là niềm tự hào của bà con dân tộc tỉnh nhà, chúng ta hãy trân trọng hơn nữa những di sản văn hóa mà cha ông ta đã để lại!. Ngành du lịch có thể nghiên cứu để giới thiệu nghệ thuật sân khấu độc đáo của dân tộc Khmer cho du khách khi có dịp đến Sóc Trăng./.

        HỒNG VÂN

Related Post

Sample Plan