DÀN NHẠC LỄ VÀ DÀN NHẠC NGŨ ÂM CỦA DÂN TỘC KHMER NAM BỘ

25/10/2021 3509 0

      Người Khmer Nam Bộ có một kho tàng nghệ thuật dân tộc phong phú và độc đáo, được lưu truyền từ xưa đến nay với nhiều loại hình: âm nhạc, múa, sân khấu, mỹ thuật, kiến trúc. Trong đó, âm nhạc luôn gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của đồng bào Khmer trong từng phum, sóc, là tiếng nói trong tâm tư tình cảm và khát vọng vươn tới cái đẹp qua bao thế hệ. Âm nhạc là nguồn vui, hạnh phúc của mọi tầng lớp xã hội không phân biệt tuổi tác, già, trẻ, nam, nữ, có vai trò quan trọng trong các lễ nghi, lễ hội truyền thống, có ý nghĩa sâu sắc và thiết thực trong đời sống cộng đồng. Chính âm nhạc đã gõ nhịp cho từng quãng đường đời của họ bằng những giai điệu trầm bổng, vui buồn, trữ tình, hùng tráng từ lúc con người mới sinh ra cho đến khi về nơi an nghỉ.

      Các tổ chức dàn nhạc hiện nay vẫn còn mang tác dụng thiết thực trong đời sống của người Khmer như: Dàn nhạc Pinpeat, dàn nhạc Môhôri, dàn nhạc lễ (Kh'sear), dàn nhạc La khône Bassak, dàn nhạc Skô Thum,... Trong đó, thiết thực và phố biến nhất là Dàn nhạc Pinpeat và dàn nhạc lễ.

      Dàn nhạc Pinpeat còn được gọi là "Dàn nhạc Ngũ âm". Từ "Ngũ âm" được đề cập ở đây là năm loại chất liệu khác nhau tạo thành một âm thanh tổng hợp cho dàn nhạc, bao gồm: đồng, sắt, gỗ, da và hơi. Biên chế của dàn nhạc ngũ âm gồm có: Rôneat Ek, Rôneat Thung, Rônek Đek, Kôông Vông Tôch, Kôông Vông Thum, Skô Sam phô, Skô Thum, Srolai Pin Peat, Chhưng.

Biểu diễn nhạc Ngũ Âm tại chùa Mahatup (chùa Dơi)

      Rôneat Ek là một nhạc khí được cấu tạo bằng gỗ (tre, bên, cẩm lai,..) có âm cao nhất và không thể vắng mặt trong tổ chức dàn nhạc ngũ âm, bởi nó đóng vai trò chủ lực về giai điệu diễn tấu trong dàn nhạc. Ngoài ra, Rôneat Ek còn có mặt trong dàn nhạc Môhôri, sân khấu Dù Kê và đôi khi được sử dụng độc tấu, hòa tấu hoặc đệm cho các tiết mục ca, múa trên sân khấu nghệ thuật quần chúng dân tộc Khmer.

      Rôneat Thung là một nhạc khí có cấu tạo từ chất liệu gỗ giống như Rôneat Ek nhưng tầm âm thấp hơn, trong dàn nhạc Rôneat Thung vừa được dùng diễn tấu giai điệu, vừa làm bè trầm cho Rôneat Ek  và cả dàn nhạc.

      Rônek Đek là nhạc khí có chất liệu làm ra từ sắt pha đồng. Rônek Đek còn có tên gọi Rônek Thônh hoặc Rônek Meás, đã có từ trước thời đại Ăngkor được du nhập vào Việt Nam. Âm thanh của đàn réo rắt, trong sáng như tiếng chuông ngân, được dùng diễn tấu giai điệu với các nhạc khí khác trong dàn nhạc.

      Kôông Vông Tôch gồm có 16 chiếc cồng có nấm đặt theo hình bán nguyệt, được chế tác từ chất liệu đồng thau hoặc đồng pha gang, mỗi chiếc cồng có nấm dày, mỏng khác nhau. Nếu trong hoàn cảnh khách quan nào đó dàn nhạc ngũ âm có thể thiếu vắng một số nhạc khí, nhưng riêng Kôông Vông Tôch nhất thiết phải có mặt thì dàn nhạc mới hội đủ các điều kiện để có thể diễn tấu được theo quy định.

      Kôông Vông Thum là nhạc khí gồm 16 chiếc cồng lớn hơn được cấu tạo từ chất liệu và số lượng thành phần giống như Kôông Vông Tôch. Nó đảm nhiệm vai trò bè trầm cho Kôông Vông Tôch.

      Skô Sam phô là loại trống hình ống, hai đầu được bịt bằng da bò hoặc da ngựa. Chức năng chính của Skô Sam phô thường được đánh mở đầu về tiết tấu và nhịp độ cho cả dàn nhạc, ngoài ra nó cò đóng vai trò dẫn dắt nhịp diệu trong suốt quá trình biểu diễn của dàn nhạc.

      Skô Thum là loại trống lớn, thường được sử dụng một cặp, một âm trầm, một âm bổng. Thân trống được làm bằng gỗ mít hoặc thốt nốt, mặt trống được bịt bằng da trâu, da bò hoặc da kỳ đà. Skô Thum mở đầu cho dàn nhạc bằng hồi trống dài và sau đó giữ nhiệm vụ đệm tiết tấu cho dàn nhạc.

      Srolai Pin Peat là nhạc khí thổi hơi quý hiếm vì có kỹ thuật diễn tấu rất phức tạp, tinh tế. Kèn được làm từ các loại gỗ quý (thường bằng lõi gỗ Mun). Trong dàn nhạc Srolai Pin Peat có nhiệm vụ hòa thanh và làm cho màu sắc cả dàn nhạc nhạc trở nên hài hòa, êm dịu hơn. Tuy nhiên, do có ít người chơi thành thạo nhạc cụ này rất ít nên trong một số dàn nhạc ngũ âm đã bỏ trống vị trí của Srolai Pin Peat.

      Chhưng làm bằng hợp kim đồng thau hoặc đồng thiết, gồm hai chiếc bằng nhau có hình dáng tròn như chiếc đĩa nhỏ, ở giữa có núm và được dùng dây xỏ vào nhau. Được diễn tấu bằng cách chập hai chiếc vào nhau theo lối trực diện để phát ra âm thanh. Chhưng thường có mặt trong dàn nhạc ngũ âm và dàn nhạc lễ của dân tộc Khmer.

      Đối với dàn nhạc Kh'sear hay còn gọi là dàn nhạc lễ, biên chế dàn nhạc gồm có: Truô sô, Truô nguôk, Skôr Daey, Khưm, Chapây Chomriêng, Chhưng và cùng một số nhạc cụ khác.

      Truô sô là nhạc khí dây kéo có nhiều tên gọi khác nhau như: đàn cò, đàn cò ke, đàn nhị hồ,...tuy nhiên với mỗi dân tộc thì Truô sô được cải tiến về hình dáng cấu tạo, kích thước, cũng như chất liệu. Khi sử dụng người diễn tấu xử lý cường độ, sắc thái bằng cung vĩ để diễn đạt tình cảm êm dịu hoặc sinh động trong mọi tình huống.

      Truô nguôk là nhạc khí được kế thừa và cải tiến từ đàn Nhị Hồ, có cấu tạo tương tự đàn Truô sô nhưng kỹ thuật diễn tấu khó và phức tạp hơn. Điều đặc biệt là Truô nguôk có mặt trong hầu hết các dàn nhạc của dân tộc Khmer.

      Skôr Daey là loại trống chỉ bịt một mặt da, thân trống được làm bằng gỗ có độ dẻo và nhẹ có thân tròn hình ống, phần đuôi xòe. Mặt trống được bịt bằng da thỏ, rắn hoặc trăn được căng bằng dây da hoặc dây mây ngang phần đầu trống và thắt lại. Tiết tấu của Skôr Daey rất phong phú, linh hoạt, bay bổng hòa quyện với dàn nhạc làm tăng nguồn hưng phấn cho các tiết mục ca, múa hoặc hòa tấu.

      Khưm là loại đàn có hình dáng như con bướm đang xòe cánh, được chế tác bằng các loại gỗ nhẹ như: còng, thông, sao,... Khi diễn tấu nghệ nhân dùng cặp thanh tre gõ lên dây đàn tạo ra âm thanh réo rắt, giòn giã, sử dụng để đệm cho hát, múa, độc tấu, song tấu, tam tấu cùng với các nhạc khí khác.

      Chapây Chomriêng còn được gọi là Chapây đonvêng, có nguồn gốc từ Ấn Độ với nhiều hình dáng khác nhau như hình thang cân, hình tứ giác, hình lá bồ đề và có cần đàn rất dài. Do có cấu tạo cần đàn khá đặc biệt và độc đáo nên khi diễn tấu nghệ nhân cần phải đạt được kỹ thuật diễn tấu tay trái linh hoạt và điêu luyện. Ngoài việc sử dụng trong dàn nhạc lễ thì đàn Chapây Chomriêng còn được sử dụng cho đơn ca độc tấu (ca kể truyện), đệm cho hát, múa Aday đối đáp,...

Biểu diễn nhạc Lễ  tại chùa Mahatup (chùa Dơi)

      Như vậy, chúng ta có thể nhận thấy đây là hai dàn nhạc được sử dụng phổ biến trong đời sống của dân tộc Khmer hiện nay. Mỗi dàn nhạc được phân thành nhiều bộ phận với từng tên gọi, chức năng khác nhau và được thiết kế rất tinh xảo mà khi sử dụng không thể tách rời ra từng nhạc cụ vì như vậy sẽ làm mất đi sự phối âm hoàn chỉnh của nó. Tuy nhiên, có một điểm đặc biệt là khi hòa tấu thì một số nhạc cụ trong 02 dàn nhạc này vẫn có thể kết hợp với nhau tạo thành những âm thanh rất hấp dẫn.

      Dàn nhạc ngũ âm và nhạc lễ của người Khmer đã có từ rất lâu đời, theo quy định cổ truyền thì dàn nhạc chỉ được sử dụng trong các ngày đại lễ tại chùa như: Lễ Cầu Phước, Lễ Dâng Bông,... Vào những ngày lễ hội, hầu như bà con thức suốt đêm để vui chơi trong điệu Ram - vôn, À – day hân hoan, rộn rã trong tiếng nhạc trầm trầm, vang vang như làm các nhịp múa càng thêm hăng say, còn dân chúng chỉ sử dụng trong đám tang. Xuất phát từ nhu cầu cuộc sống xã hội, ngày nay nhạc ngũ âm đã được mở rộng phạm vi hoạt động trong các cuộc liên hoan mừng công và trình diễn trong các Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng đồng bào Khmer. Cùng với các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm cộng cư trên vùng đồng bằng Nam bộ, dân tộc Khmer đã kề vai sát cánh trong suốt quá trình gìn giữ và xây dựng đất nước. Nền văn hóa của dân tộc Khmer đã góp phần làm phong phú thêm cho văn hóa chung của các dân tộc trên đất nước Việt Nam.

      Đến tham quan Chùa Dơi tại Tp.Sóc Trăng, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng lối kiến trúc độc đáo của chùa, quan sát hàng nghìn con Dơi quạ treo mình trên các tán cây cổ thụ, mà còn được lắng nghe những âm thanh vui tươi, rộn rã, sôi nổi của dàn nhạc Ngũ âm hay du dương, trầm bổng, sâu lắng của dàn nhạc Lễ. Chùa Dơi và một số ngôi chùa Khmer khác tại Sóc Trăng còn lưu giữ trọn vẹn 02 dàn nhạc dân tộc truyền thống của người Khmer là Pinpeat (Ngũ âm) và nhạc lễ (Kh'sear). Du khách có thể đến chùa vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần và ngày 15, 30 âl hàng tháng, để trực tiếp thưởng thức phần biểu diễn âm nhạc và tìm hiểu thêm về 02 bộ nhạc cụ độc đáo này./.

Nguyễn Dũng

          * Tài liệu tham khảo:

                        Nhạc khí dân tộc Khmer Sóc Trăng - Đào Huy Quyền, Sơn Ngọc Hoàng, Ngô Khị, NXB tổng hợp TP.HCM.

                        Nghệ thuật tạo hình của người Khmer ở Sóc Trăng - Hồ Văn Hưng, Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Sóc Trăng.

                        Dàn Nhạc Ngũ âm trong đời sống văn hóa người Khmer An Giang - Nguyễn Đăng Khoa, Trường Đại học An Giang.

                        - http://lib.tvu.edu.vn (Thư viện Khoa học - Trường Đại học Trà Vinh).

Related Post

Sample Plan