BẢO TÀNG SÓC TRĂNG - 30 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

22/04/2022 1391 0
STO - Ở Sóc Trăng, bảo tàng hoạt động khá muộn. Năm 1992, cùng với sự kiện tái lập tỉnh Sóc Trăng, bảo tàng mới được thành lập. Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, với những cố gắng không mệt mỏi, Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng đã có những bước tiến dài, góp phần phát huy hiệu quả giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, góp phần quảng bá hình ảnh con người, vùng đất Sóc Trăng.

Nhiều hiện vật trưng bày tại bảo tàng thu hút khách tham quan. Ảnh: KGT

      Nếu như những ngày mới thành lập, Bảo tàng tỉnh sử dụng cơ sở vật chất cũ kỹ, chủ yếu thực hiện những cuộc triển lãm với hiện vật trưng bày sơ sài; hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể chưa được quan tâm đúng mức thì đến nay, sau 30 năm hình thành và phát triển, bảo tàng được đầu tư xây dựng; sưu tầm, phân loại, bổ sung hiện vật cho kho cơ sở và sử dụng trong trưng bày triển lãm được 1.469 đơn vị hiện vật theo từng chuyên đề khác nhau.

      Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lưu Thanh Hùng cho hay: “Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng trước đó có tên gọi là Bảo tàng Cách mạng, được thành lập cuối năm 1992, đến năm 2002, sáp nhập Bảo tàng Cách mạng và Bảo tàng Văn hóa Khmer và lấy tên Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng, gồm có Nhà Bảo tàng chính, Nhà Trưng bày Văn hóa Khmer và Di tích Khu Căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng. Bảo tàng tỉnh thực hiện sưu tầm, trưng bày, kiểm kê, bảo quản, tuyên truyền, giáo dục về những tài liệu, hiện vật và di tích của địa phương… nhằm giáo dục truyền thống, nâng cao lòng tự hào dân tộc, lòng yêu quê hương, yêu Tổ quốc, đồng bào…”.

      Khi đến tham quan Nhà Bảo tàng chính tại đường Hùng Vương, Phường 6, TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng), du khách sẽ được giới thiệu các hiện vật về tài nguyên thiên nhiên, lịch sử hình thành vùng đất Sóc Trăng, đặc trưng văn hóa và các ngành nghề truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa; lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm của Đảng bộ và quân, dân Sóc Trăng.

      Bên cạnh đó, du khách tham quan tại Di tích Khu Căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng nằm trong rừng tràm Mỹ Phước thuộc xã Mỹ phước, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), sẽ được chiêm ngưỡng hàng trăm hình ảnh, hiện vật… quý giá để thấy rằng, trải qua mưa bom bão đạn của kẻ thù, Khu Căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng vẫn vững vàng, xứng đáng được ghi tên vào những trang sử vàng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; là cái nôi của Đảng bộ, là trung tâm điểm cách mạng, đồng thời là một minh chứng, khẳng định lòng tin, sự che chở của dân đối với Đảng, là nguyên nhân, là sức mạnh giúp cho Đảng bộ Sóc Trăng hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo cách mạng, đưa quân và dân trong tỉnh giành thắng lợi trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) và 21 năm chống Mỹ và tay sai (1954 - 1975). Năm 1992, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) quyết định xếp hạng di tích Căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Hiện nay, khu di tích đã trở thành nơi sinh hoạt giao lưu văn hóa, nơi vui chơi, giải trí của đông đảo công chúng. Là địa điểm để ghi nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ, những người đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, là nơi lý tưởng để giáo dục về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, truyền thống đấu tranh của dân tộc cho các thế hệ mai sau.

      Riêng Nhà Trưng bày Văn hóa Khmer trên đường Nguyễn Chí Thanh, Phường 6, TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng) - nơi có hơn 300 hiện vật, mô hình, bảng trích… được trưng bày khá đa dạng, phong phú từ nông cụ sản xuất, nông cụ đánh bắt thủy, hải sản, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày đến tín ngưỡng, tôn giáo; nhạc cụ dân tộc, nghệ thuật sân khấu, các lễ hội… của đồng bào Khmer Sóc Trăng; trở thành địa điểm tham quan, vui chơi, giải trí lý thú. Là nơi bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nơi đây chứa đựng nhiều tư liệu quý giá cho nghiên cứu khoa học. 

      Với những đặc trưng, phong phú nêu trên, bảo tàng thu hút hàng trăm ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan mỗi năm. Anh Nguyễn Văn Hưng, du khách đến từ tỉnh Hậu Giang bộc bạch: “Đến Sóc Trăng, ngoài những điểm tham quan nổi tiếng hay một số địa điểm khác, chúng tôi tranh thủ tìm đến tham quan Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng bởi vì đây là một nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, qua đó, có thể tìm hiểu một cách khái quát về vùng đất, con người Sóc Trăng”.

      Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lưu Thanh Hùng cho biết: “Các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Bảo tàng tỉnh phát huy hiệu quả giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, góp phần quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch của địa phương, thời gian tới, sẽ thực hiện bảo tàng thông minh”.

      Cũng theo đồng chí Lưu Thanh Hùng, đơn vị cũng tham mưu Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch rà soát, lựa chọn các địa điểm phù hợp, có ý nghĩa tiêu biểu để lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích cấp tỉnh, thực hiện tốt công tác quản lý về chuyên môn. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 8 di tích cấp quốc gia và 41 di tích cấp tỉnh. Về hoạt động bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, đơn vị đã tham mưu lập 17 hồ sơ về 17 đề tài di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh, đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận 7 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

KGT

(Nguồn: https://www.baosoctrang.org.vn/soc-trang-30-nam-tai-lap-tinh/bao-tang-soc-trang-30-nam-hinh-thanh-va-phat-trien-56381.html)

Related Post

Sample Plan